(New York) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu trong bản khuyến nghị, rằng Liên minh Châu Âu (EU) cần gây sức ép để Việt Nam thả hết tù nhân chính trị và đưa ra những cải thiện cụ thể về tự do ngôn luận, nhóm họp, lập hội và tôn giáo trong cuộc đối thoại tại Hà Nội vào ngày 12 tháng Giêng năm 2012.
Trong năm 2011, có ít nhất 33 blogger và nhà vận động nhân quyền bị kết án hình sự vì đã bày tỏ chính kiến và niềm tin tôn giáo của mình. Có ít nhất 27 nhà vận động khác cũng bị chính quyền Việt Nam bắt giữ đang chờ điều tra/xét xử. Ngoài ra, có hai blogger – Nguyễn Văn Hải (bút danh Điếu Cày) và Phan Thanh Hải (bút danh Anhbasg) – đang bị giam giữ từ năm 2010 chưa xét xử. Một nhà vận động quyền lợi đất đai, Bùi Thị Minh Hằng, bị đưa vào cơ sở giáo dục hai năm không qua xét xử vì đã tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra từ tháng Sáu đến tháng Tám.
Trong bản góp ý dài 15 trang, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khuyến nghị EU cần thúc đẩy chính quyền Việt Nam cải thiện bốn lĩnh vực chủ chốt: tôn trọng quyền tự do ngôn luận và lập hội, và phóng thích những người bất đồng chính kiến bị giam giữ vì đã thực thi các quyền tự do nói trên; tôn trọng quyền tự do thi hành tín ngưỡng; giải quyết nạn công an và cán bộ lạm dụng trại viên trong các trung tâm quản chế và trừng phạt các hành vi lạm dụng đó; và chấm dứt cưỡng ép lao động trong các trung tâm cai nghiện, trại cải tạo, và trung tâm quản lý người lao động tình dục và người vô gia cư.
“Giới ngoại giao Việt Nam thích quảng cáo với các đối tác nước ngoài về sự tôn trọng pháp trị ở đất nước mình,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Nhưng một hệ thống tư pháp lăm lăm bỏ tù những người phản kháng ôn hòa thể hiện điều ngược lại với những cam kết rỗng tuếch của chính quyền. Giới chức EU cần sử dụng vòng đối thoại để yêu cầu chính quyền Việt Nam cũng tôn trọng những cam kết về nhân quyền theo công pháp quốc tế, tương ứng với các điều khoản về viện trợ và thương mại quốc tế họ mong nhận được.”
Sau khi ký kết Thỏa thuận Hợp tác và Đối tác mới vào năm 2010, EU và Việt Nam nhất trí tiến hành đối thoại về nhân quyền mỗi năm một lần, tổ chức luân phiên ở Brussels và Hà Nội. Vòng đàm phán đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 12 tháng Giêng năm 2012 tại Hà Nội.
EU cần yêu cầu phóng thích ngay lập tức tất cả tù nhân chính trị đang đối mặt với vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe để họ được chữa bệnh chu đáo, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. Trong tháng Bảy và tháng Chín năm 2011, có ít nhất hai tù nhân chính trị - Nguyễn Văn Trại và Trương Văn Sương, bị chết trong trại giam.
EU cần bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình sức khỏe của một số người đang bị giam giữ vì lý do chính trị. Ví dụ, nhà thơ đồng thời là nhà vận động chống tham nhũng Nguyễn Hữu Cầu, 65 tuổi, đã bị cầm tù tổng cộng 34 năm kể từ năm 1975 – từ 1975 đến 1980 trong trại cải tạo và từ năm 1982 đến nay vì đã phát hiện, công bố những hành vi tham nhũng của các quan chức địa phương. Ông đã bị mất gần hết thị lực và hầu như điếc hoàn toàn. Nhà hoạt động Phật giáo Hòa Hảo Mai Thị Dung, 42 tuổi, đang thụ án 11 năm tù vì vận động cho Phật giáo Hòa Hảo, đang bị ốm nặng, hai chân bị liệt và mắc bệnh tim và sỏi mật, theo lời các tín hữu Phật giáo Hòa Hảo vào thăm bà năm 2010.
“Cả hai người, Nguyễn Hữu Cầu và Mai Thị Dung, cần được thả ngay lập tức để họ được chữa bệnh chu đáo,” Robertson nói. “EU cần hỏi xem chính quyền Việt Nam sợ điều gì ở những tù nhân ốm đau nặng này, và tại sao họ chưa dám thực hiện cử chỉ nhân đạo là cho tại ngoại chữa bệnh.”
Một số tù nhân chính trị khác cũng gặp vấn đề khó khăn về sức khỏe, trong đó có Linh mục Công giáo Nguyễn Văn Lý, Nhà hoạt động Phật giáo Hòa Hảo Nguyễn Văn Lía và người bênh vực quyền lợi người lao động Đỗ Thị Minh Hạnh. Cả ba đều bị kết các mức án tù nặng chỉ vì đã ôn hòa thực thi các quyền con người của mình.
Cùng với yêu cầu phóng thích ngay lập tức những người bị giam giữ vì lý do chính trị, EU cần vận động Việt Nam thực hiện các cam kết về tự do ngôn luận, lập hội và tôn giáo, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền. Việt Nam cần phải chấm dứt tệ bạo hành của cán bộ trại giam và cưỡng bức lao động trong các trung tâm cai nghiện và trung tâm quản lý người lao động tình dục.
“Những nghiên cứu mới đây của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho thấy hạt điều và một số hàng hóa khác được sản xuất bằng sức lao động của những người bị ép buộc trong các trại cai nghiện rồi xuất khẩu,” ông Robertson nói. “EU nên vận động Việt Nam áp dụng một mô hình khác, nhân đạo và dựa vào thực chứng hơn trong cai nghiện, và đảm bảo rằng không một mặt hàng nào mang tì vết cưỡng bức lao động được nhập khẩu vào thị trường chung châu Âu.”