(New York, ngày 27, tháng Giêng năm 2016) – Hôm nay Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhận định trong Bản Phúc trình Toàn cầu 2016, dù tiếp tục đạt tăng trưởng về kinh tế và có tiến bộ về một vài chỉ số xã hội trong năm 2015, chính quyền Việt Nam vẫn không ngừng đàn áp các blogger độc lập, nhà văn độc lập và các nhà hoạt động nhân quyền bị coi là có thể gây nguy hại tới vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản.
Việt Nam xiết chặt các quyền tự do cơ bản, như tự do ngôn luận, tự do chính kiến, tự do báo chí, tự do lập hội và tự do tôn giáo. Các blogger và các nhà hoạt động dân chủ phải thường xuyên đối mặt với sự đe dọa và sách nhiễu. Nạn hành hung những người chỉ trích chính quyền gia tăng. Quốc Hội thông qua dự thảo sửa đổi luật hình sự mở rộng thêm cơ sở pháp lý để xử lý hình sự các nhà hoạt động và blogger. Nông dân tiếp tục bị mất đất cho các dự án phát triển mà không được đền bù thỏa đáng, còn công nhân không được thành lập công đoàn độc lập. Các nhà thờ tại gia và các nhóm tôn giáo độc lập không được phép hoạt động.
“Trong năm 2015, Việt Nam đã cố hạn chế mở các phiên xử và kết án mang tính chính trị nhằm gây cảm tình trong các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng vẫn giữ nguyên tính chất cứng rắn trong chính sách đàn áp các nhà hoạt động, với các vụ đánh đập ngày càng gia tăng,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu.
Trong tháng Mười một, Tướng Công an Trần Đại Quang công khai thừa nhận rằng trong vòng ba năm gần đây chính quyền đã “tiếp nhận, bắt giữ, xử lý (nhiều) vụ với 2.680 đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia” và ghi nhận rằng “các đối tượng chống đối” đã thành lập hơn 60 nhóm dân chủ và nhân quyền.
Những người bị bắt trong năm 2015 bao gồm các nhà vận động vì những mục tiêu ôn hòa, từ bảo vệ môi trường tới đa nguyên chính trị. Trong tháng Tư, chính quyền bắt giữ Nguyễn Viết Dũng vì tham gia cuộc tuần hành ôn hòa “bảo vệ cây” ở Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội và truy tố về tội gây rối trật tự công cộng theo điều 245 bộ luật hình sự. Vào tháng Chín, công an tỉnh Thái Bình bắt giữ cựu tù nhân chính trị Trần Anh Kim về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 bộ luật hình sự vì cho rằng ông đã thành lập một nhóm ủng hộ dân chủ. Tháng Mười hai, công an bắt giữ nhà vận động nhân quyền nổi tiếng Nguyễn Văn Đài và truy tố ông tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 bộ luật hình sự. Nhà hoạt động Lê Thu Hà, cộng sự của ông Đài cũng bị bắt.
Vì trong quá trình đàm phán TPP, quyền của người lao động được quan tâm cao độ, vào tháng Sáu năm 2014 Việt Nam phóng thích nhà hoạt động vì quyền của người lao động Đỗ Thị Minh Hạnh, người bị bắt và truy tố từ năm 2010 theo điều 89 của bộ luật hình sự vì đã giúp tổ chức một cuộc đình công tự phát. Các nhà hoạt động vì quyền của người lao động khác, như Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương, vẫn phải ngồi tù để thi hành bản án khắc nghiệt. Trong tháng Mười một năm 2015, công an tỉnh Đồng Nai câu lưu và hành hung Đỗ Thị Minh Hạnh vì đã trợ giúp công nhân Công ty Yupoong thi hành quyền của họ.
Trong năm 2015, có ít nhất 45 nhà hoạt động nhân quyền và blogger bị nhân viên mặc thường phục đánh đập. Trong số đó có Phạm Đoan Trang, Nguyễn Tường Thụy, J.B Nguyễn Hữu Vinh, Trần Thị Nga, Nguyễn Chí Tuyến, Trịnh Anh Tuấn, Đinh Quang Tuyến, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Chu Mạnh Sơn, Đinh Thị Phương Thảo, Tạ Trí Hải, Trần Minh Nhật và Nguyễn Văn Đài. Không một người liên can nào trong các vụ hành hung nói trên bị truy cứu trách nhiệm.
“Là một phần của chương trình quan hệ đối ngoại, chính quyền Việt Nam hình như đã thay đổi chiến thuật, ít bắt giữ những người lên tiếng phê phán hơn và thay thế nhà tù bằng đánh đập,” ông Adams nói. “Sự thay đổi từ bỏ tù sang hành hung khó có thể gọi là tiến bộ được.”
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hoan nghênh luật mới hợp pháp hóa phẫu thuật điều chỉnh giới tính và công nhận giới tính mới cho những người chuyển giới đã qua phẫu thuật. Một điều khoản trong bộ luật tố tụng hình sự cho phép nghi can từ chối khai những điều bất lợi cho bản thân cũng đã được Quốc Hội thông qua trong tháng Mười một. Các chuyển biến tích cực khác gồm có yêu cầu ghi hình trong khi lấy cung, và loại bỏ thủ tục đòi hỏi luật sư phải xin giấy phép bào chữa cho từng vụ án họ tham gia bào chữa.