(Brussels) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu Liên minh châu Âu (EU) cần gây sức ép với chính quyền Việt Nam để phóng thích tất cả những người bị giam, giữ vì lý do chính trị; chấm dứt đàn áp các quyền tự do ngôn luận, nhóm họp và lập hội; và thực hiện các bước nhằm chấm dứt nạn công an bạo hành. EU và Việt Nam sẽ tổ chức đối thoại nhân quyền lần thứ 7 tại Hà Nội vào ngày mồng 1 tháng Mười hai năm 2017.
Trước đây, chính quyền Việt Nam đã từng lợi dụng dịp đối thoại nhân quyền để ra tay với các nhà hoạt động. Hồi tháng Mười hai năm 2015, luật sư nhân quyền nổi tiếng Nguyễn Văn Đài bị bắt trên đường đến gặp phái đoàn EU ở Hà Nội trong dịp đối thoại nhân quyền EU – Việt Nam lần thứ 5. Ông hiện vẫn đang bị tạm giam chờ xét xử. Tháng Mười một năm 2017, công an câu lưu và thẩm vấn các nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Quang A, Phạm Đoan Trang và Bùi Thị Minh Hằng sau khi họ gặp gỡ một phái đoàn EU.
“EU cần công khai gây sức ép với Việt Nam để phóng thích Nguyễn Văn Đài và tất cả các tù nhân chính trị khác, và sửa đổi bộ luật hình sự để các tòa án do Đảng Cộng sản kiểm soát không thể bỏ tù những người lên tiếng phê phán chính quyền,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Cuộc đối thoại lần này cần đưa đến những cam kết cụ thể về nhân quyền chứ không phải lại thêm một lần nói chuyện suông.”
Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trì một nhà nước độc đảng, hạn chế nặng nề các quyền tự do cơ bản và trừng phạt những người bất đồng chính kiến. Chính quyền thường sử dụng các điều luật có ngôn ngữ mơ hồ và có thể diễn giải tùy tiện trong bộ luật hình sự và các luật khác để trừng phạt những người bất đồng chính kiến ôn hòa về chính trị và tôn giáo. Hiện nay, có ít nhất 105 người phê phán chính phủ ôn hòa đang thụ án tù dài hạn vì thể hiện quan điểm phê phán chính quyền, tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa, gia nhập các nhóm tôn giáo không được chính quyền phê chuẩn, hoặc tham gia các tổ chức dân sự hoặc chính trị bị Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền cho là nguy cơ đối với quyền lực độc tôn của mình. Hàng chục người khác đã bị bắt giữ và cáo buộc với các tội danh tương tự.
Chính quyền cấm tất cả các đảng chính trị, công đoàn và các tổ chức nhân quyền độc lập. Các nhóm tôn giáo ở Việt Nam chỉ được hoạt động dưới sự giám sát của chính quyền. Chính quyền kiểm tra, sách nhiễu và đôi khi sử dụng vũ lực để giải tán các nhóm tôn giáo hoạt động ngoài các ban trị sự tôn giáo chính thức, có đăng ký với chính quyền và do chính quyền kiểm soát.
Công an sử dụng nhiều biện pháp để khống chế các hoạt động chính trị bao gồm hành hung cơ thể và sách nhiễu tâm lý, theo dõi gắt gao, quản chế tại gia trái luật, và gây sức ép với nơi làm việc, chủ nhà và gia đình của các nhà hoạt động. Vào tháng Mười một, công an gây sức ép buộc chủ nhà đòi lại nhà không cho ca sĩ bất đồng chính kiến Nguyễn Đỗ Mai Khôi thuê, sau khi cô công khai biểu tình chống tổng thống Hoa Kỳ trong chuyến thăm Hà Nội.
Biện pháp cản trở quyền tự do đi lại trong nước cũng được áp dụng để ngăn các blogger và nhà hoạt động tham gia các sự kiện công cộng như các cuộc biểu tình bảo vệ môi trường, hội luận nhân quyền, gặp gỡ các nhà ngoại giao nước ngoài hay dự các phiên tòa xử các bạn hoạt động của họ.
Nạn hành hung thân thể nhằm vào các nhà hoạt động và các blogger nhân quyền thường xuyên xảy ra. Nhiều nạn nhân cho biết họ bị những người lạ mặt mặc thường phục đánh đập ngay trước mặt cảnh sát mặc sắc phục mà những người đó không làm gì để can thiệp. Công an thường buộc các nhà vận động nhân quyền phải chịu những cuộc thẩm vấn kéo dài, đầy tính dọa dẫm và giam giữ họ trong thời gian kéo dài mà không cho tiếp xúc với luật sư hay gia đình thăm gặp.
Vào ngày 30 tháng Mười một, ngay trước ngày khai mạc đối thoại nhân quyền EU- Việt Nam, một tòa án cấp cao hơn sẽ xử phiên phúc thẩm blogger nổi tiếng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (bút danh Mẹ Nấm). Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa xử 10 năm tù giam hồi tháng Sáu năm 2017 vì kêu gọi dân chủ và phê phán chính quyền Việt Nam.
Vào ngày 26 tháng Mười một, Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên tuyên bố quyết định xóa tên một trong những luật sư của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là Võ An Đôn khỏi danh sách Đoàn luật sư vì lý do “lợi dụng quyền tự do ngôn luận, đã có nhiều bài viết, video clip, phát ngôn, trả lời phỏng vấn với báo chí, đối tượng ở nước ngoài, bịa đặt nói xấu luật sư, cơ quan tiến hành tố tụng, Đảng và Nhà nước Việt Nam. Nhằm mục đích kích động, tuyên truyền, xuyên tạc không đúng sự thật, gây ảnh hưởng đặc biệt xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, các cơ quan tiến hành tố tụng và luật sư Việt Nam.”
“EU cần công khai vinh danh những công dân Việt Nam dũng cảm như ‘Mẹ Nấm’ và luật sư Võ An Đôn, những người đã chịu nhiều rủi ro vì nhân quyền và dân chủ,” ông Adams nói. “EU cần nói rõ rằng việc thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa hai bên phụ thuộc vào việc Việt Nam phóng thích tất cả các tù nhân chính trị và chấm dứt sách nhiễu, đe dọa những người bảo vệ nhân quyền.”