(New York) - Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng các viên chức chính quyền và những người mặc thường phục đã bố ráp một buổi biểu diễn ca nhạc ở Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam vào ngày 15 tháng Tám năm 2018 và đánh đập tàn bạo ca sĩ trình diễn và hai nhà hoạt động nổi tiếng trong số khán giả. Việt Nam cần tiến hành một cuộc điều tra vô tư, minh bạch và thấu đáo về vụ tấn công này.
“Kiểu thức hành hung tàn ác và gây sốc nhằm vào các nhà hoạt động nhân quyền, blogger và nghệ sĩ đang nhanh chóng biến thành một thông lệ mới ở Việt Nam,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Qua việc không điều tra và truy cứu trách nhiệm những người thực hiện các hành vi côn đồ như thế, nhà cầm quyền đang phát tín hiệu rằng tấn công những người bất đồng chính kiến sẽ không bị trừng phạt.”
Vào tối ngày 15 tháng Tám, một nhóm khán giả chừng 50 người, trong đó có cả trẻ em và người già tới quán Café Casanova ở Phường 7, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh để xem buổi ca nhạc, Sài Gòn Kỷ niệm, của ca sĩ, nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Tín. Khoảng 9 giờ tối, một nhóm nhân viên công lực mặc sắc phục, nhân viên an ninh, và nhiều người mặc thường phục, có một số đeo khẩu trang, xông vào trong quán.
Những vị khách không mời mà đến vừa quay phim buổi diễn, vừa yêu cầu những người tổ chức sự kiện xuất trình giấy phép trình diễn, và yêu cầu khán giả phải xuất trình giấy tờ tùy thân. Khi khán giả bắt đầu ra về, vài người trong số những vị khách không mời này túm lấy Phạm Đoan Trang, có mặt với tư cách khán giả, và lôi cô lên một chiếc xe bên ngoài quán café. Phạm Đoan Trang là một nhà báo, blogger và nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng và trực ngôn, đã viết về nhiều chủ đề liên quan tới nhân quyền và nền pháp trị. Cô là một trong số ít các nhà báo ở Việt Nam viết và đăng bài song ngữ, bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.
Trịnh Hữu Long, Tổng biên tập của Luật khoa Tạp chí, một tạp chí trên mạng chuyên về pháp luật và nhân quyền, nơi Phạm Đoan Trang cũng là biên tập viên, viết trên Facebook của mình rằng cô “bị bắt về đồn Công an phường 7, quận 3. Tại đây, cô bị đánh nhiều lần trong quá trình lấy lời khai… Công an thu giữ máy vi tính, chứng minh thư, thẻ ATM, và mấy trăm nghìn đồng của Đoan Trang.”
Sau khi lấy lời khai, công an đưa Phạm Đoan Trang rời đồn trên một chiếc taxi, thả cô xuống một “đoạn đường tối,” và đưa cho cô 200,000 đồng để gọi taxi khác. Khi công an vừa rời đi, sáu người đàn ông đi trên ba chiếc xe máy tới và tấn công Phạm Đoan Trang, dùng mũ bảo hiểm đánh cô vào đầu. Cô viết trên trang Facebook của mình: “Khi tôi ngồi dậy được để giữ tay vào vết thương trên đầu cho bớt chảy máu, thì thấy chiếc mũ vỡ một mảng to bị vứt lại trên đường, quanh đó là chi chít mảnh vụn.” Cô bị nhiều vết thâm tím, bị chóng mặt và buồn nôn. Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán cô bị chấn động não. Những người bạn cố gắng đến thăm cô bị các nhân viên an ninh sách nhiễu và đánh đập.
Những vị khách không mời này cũng thẩm vấn và đánh ca sĩ Nguyễn Tín tại quán café. Anh kể với phóng viên trang mạng Dân Làm Báo rằng mình bị [an ninh] “đưa vào một góc phòng, và họ bắt đầu đánh rất là nặng tay, dùng tay dùng chân. Một cái nặng nhất là họ dùng chai nước suối họ đánh trực tiếp vào mắt. Khi đó không thấy được gì. Tín chỉ ôm mặt thôi. Hành hung khoảng 1 tiếng thì họ yêu cầu đưa password của điện thoại. Tín không có đưa, cho nên họ đánh rất là nặng. Họ hỏi ai là người tổ chức đêm nhạc này. Tín trả lời là không biết. Sau đó họ bắt đầu trói hai tay lại với nhau và họ siết rất là đau. Cùng với lấy bịch nilon và họ trùm lên cái đầu để không có biết là ai đánh. Rồi họ lột giày ra, họ dùng chân đạp lên chân của Tín và đưa ra xe.”
An ninh lấy tiền, điện thoại di động và giấy tờ tùy thân của Nguyễn Tín và bỏ anh xuống một khu rừng trồng cao su vắng vẻ ở huyện Củ Chi, cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 60 km.
Nguyễn Tín thỉnh thoảng biểu diễn các bài hát trữ tình được sáng tác từ giai đoạn lịch sử của thời Việt Nam Cộng hòa (miền Nam Việt Nam) vẫn bị cấm dưới chế độ cộng sản. Gần đây, anh bắt đầu hát về các chủ đề xã hội và nhân quyền và bi kịch của các tù nhân chính trị.
Người tổ chức buổi biểu diễn Nguyễn Đăng Cao Đại cũng bị đánh ở quán café, bị đưa đi trên cùng chiếc xe và bỏ xuống ở một điểm khác ở Củ Chi. Anh viết trên trang Facebook rằng bị nhân viên an ninh “đánh nhiều, đánh rồi nghỉ, lại đánh.” Họ đấm anh vào giữa bụng và đầu, đá anh xuống đất và dùng giày đạp lên tay. Cả Nguyễn Tín và Nguyễn Đăng Cao Đại bị nhiều vết bầm dập và chấn thương phần mềm.
Nguyễn Đăng Cao Đại là kỹ sư xây dựng và một người ủng hộ nhân quyền, giúp hỗ trợ các tù nhân chính trị. Anh từng tham gia phong trào dân chủ có tên là Khối 8406, đặt theo ngày thành lập vào mồng 4 tháng Tư năm 2006.
Vụ tấn công ở quán Café Casanova không phải là vụ việc đơn lẻ. Nó là một trong chuỗi các vụ hành hung các nhà hoạt động đang bị công an theo dõi trong thời gian gần đây. Hồi tháng Sáu, ở tỉnh Lâm Đồng, những người mặc thường phục xông vào tư gia của ông Hứa Phi, một nhà vận động cho đạo Cao Đài ở Việt Nam. Những kẻ tấn công đánh đập và cắt râu ông.
Vào tháng Sáu và tháng Bảy, cũng ở tỉnh Lâm Đồng, nhiều người lạ mặt ném đá và vật liệu nổ tự tạo vào tư gia của nhà hoạt động vì người lao động cũng là cựu tù nhân chính trị Đỗ Thị Minh Hạnh. Sau khi các nhà hoạt động bạn bè chị là Đinh Văn Hải và Vũ Tiến Chi tới thăm để thể hiện sự ủng hộ, họ bị hai người mặc thường phục tấn công bằng gậy. Đinh Văn Hải phải nhập viện với hai xương sườn bị gẫy và bị thương ở bàn tay phải và vai trái.
Trong tháng Sáu năm 2017, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền công bố một bản phúc trình 65 trang “Không Chốn Dung Thân Cho Các Nhà Hoạt Động Vì Nhân Quyền: Các Nhà Vận Động Dân Chủ Và Blogger ở Việt Nam Bị Hành Hung” nêu rõ 36 trường hợp những người mặc thường phục đánh đập các blogger và nhà hoạt động nhân quyền trong thời gian từ tháng Giêng năm 2015 đến tháng Tư năm 2017, thường gây ra thương tích nghiêm trọng. Nhiều nạn nhân cho biết việc đánh đập xảy ra ngay trước mặt cảnh sát mặc sắc phục mà họ không làm gì để can thiệp.
“Kiểu thức hành hung cơ thể tàn bạo với bàn tay của côn đồ giấu mặt, rõ ràng có biểu hiện phối hợp với công an, là sự gia tăng đàn áp của chính quyền đối với các nhà hoạt động nhân quyền,” ông Robertson nói. “Các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế của Việt Nam cần lên án việc sử dụng vũ lực và thúc đẩy chính quyền Việt Nam ngay lập tức chấm dứt kiểu hành xử côn đồ.”
Phạm Đoan Trang
Phạm Đoan Trang là một nhà báo, blogger và nhà hoạt động nổi tiếng và trực ngôn, đã viết nhiều bài về hàng loạt chủ đề, như quyền của người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới - LGBT, quyền của phụ nữ, các vấn đề môi trường và xung đột lãnh thổ giữa Việt Nam – Trung Quốc, nạn công an bạo hành, đàn áp các nhà hoạt động, pháp luật và nhân quyền. Cuốn sách của cô, Chính trị Bình dân – một dạng sách vỡ lòng cho những người muốn trở thành nhà hoạt động – được xuất bản dưới dạng samizdat vào tháng Chín năm 2017. Phạm Đoan Trang cũng là một nhà hoạt động xuống đường sẵn sàng biểu tình ôn hòa. Cô đã biểu tình bên ngoài đồn công an và ở sân bay, nơi các nhà hoạt động bè bạn bị câu lưu, tham gia các buổi biểu tình chống Trung Quốc và tuần hành bảo vệ môi trường. Cô thể hiện tình đoàn kết với các nhà hoạt động bạn bè qua việc cố gắng tham dự các phiên tòa được dàn dựng để kết án họ, và bất chấp rủi ro cá nhân lớn, cô tới thăm gia đình các nhà bất đồng chính kiến đang bị giam, giữ để ủng hộ vật chất và tinh thần.
Cô đã bị nhiều vụ sách nhiễu, đàn áp và hành hung dưới bàn tay của các lực lượng chính quyền. Năm 2009, công an câu lưu cô chín ngày vì lý do “an ninh quốc gia”. Sau đó, nhân viên an ninh của chính quyền đã nhiều lần câu lưu, thẩm vấn và quản chế cô tại gia để ngăn không cho cô tham gia các cuộc biểu tình hay gặp gỡ các nhà ngoại giao nước ngoài. Cô đi lại với cái chân tập tễnh nặng và vĩnh viễn do bị chấn thương khi các lực lượng an ninh dùng vũ lực giải tán một cuộc biểu tình vì môi trường ở Hà Nội vào tháng Tư năm 2015.
Tháng Chín năm 2015, cô đi tới đồn công an quận Hai Bà Trưng ở Hà Nội để phản đối việc giam giữ tùy tiện người bạn là nhà hoạt động Lê Thu Hà cùng với nhiều người khác. Ở đó, nhân viên an ninh đánh những người biểu tình, làm cô chảy máu miệng. Tháng Năm năm 2016, công an câu lưu cô trong lúc cô đang trên đường tới gặp Tổng thống Hoa Kỳ Barrack Obama, người đã mời cô tham dự buổi gặp mặt các nhà hoạt động trong chuyến thăm Hà Nội của ông. Tháng Mười một năm 2017, cô bị câu lưu sau khi gặp một phái đoàn Liên Âu (EU) chuẩn bị cho cuộc đối thoại nhân quyền song phương thường niên giữa EU và Việt Nam. Công an câu lưu cô vào tháng Hai và tháng Sáu năm 2018 để thẩm vấn cô về các bài viết và hoạt động của cô.
Phạm Đoan Trang có bằng thạc sĩ về quản trị, Học viện Công nghệ châu Á, và bằng Cử nhân chuyên ngành Kinh tế, Đại học Ngoại thương Hà Nội. Cô đã viết nhiều bài báo và xã luận trên nhiều tờ báo giấy và báo mạng. Năm 2008, cô là đồng tác giả của cuốn sách bán chạy Bóng, Tự truyện của một người đồng tính, về những kỳ thị đối với người đồng tính ở Việt Nam và nhu cầu đòi quyền bình đẳng của họ.
Trang cá nhân của cô, Đoan Trang, viết về hàng loạt chủ đề nhạy cảm, trong đó có quan hệ Việt Nam – Trung Quốc và tranh chấp giữa hai nước về tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Hầu hết các bài trên blog của cô đề cập đến các vấn đề chính trị nhạy cảm. Cô từng là biên tập viên của Tuần Việt Nam, một tờ báo mạng ra hàng tuần thuộc tờ VietnamNet, một trong những trang tin tức nhiều độc giả nhất ở Việt Nam. Cô cũng làm biên tập viên cho trang mạng Vietnam Right Now có mục tiêu cung cấp “một cách khách quan, chính xác và kịp thời các thông tin về tình hình thời sự xã hội và chính trị ở Việt Nam hiện nay.” Phạm Đoan Trang là một trong số các tác giả của cuốn sách Việt Nam & Tranh chấp Biển Đông do Nhà Xuất bản Tri thức in ở Việt Nam. Cô cũng đóng góp trong hai cuốn sách xuất bản dưới dạng samizdat: Anh Ba Sàm – một cuốn sách viết về tiểu sử, hoạt động và việc bỏ tù blogger nổi tiếng Nguyễn Hữu Vinh; và cuốn Từ Facebook xuống đường – cuốn sách đánh dấu năm năm hoạt động ủng hộ nhân quyền và biểu tình ở Việt Nam từ năm 2011-2016.
Các bài viết và hoạt động của Phạm Đoan Trang hướng đến nhiều mục tiêu về nhân quyền. Trước hết và quan trọng nhất, cô muốn thúc đẩy giáo dục về nhân quyền, như quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, tự do nhóm họp, tự do lập hội và các quyền khác trong đó có quyền được im lặng. Cô khuyến khích mọi người tự học hỏi về các quyền của mình. Với tư cách là một nhà báo và blogger, Phạm Đoan Trang cũng chú trọng tới vai trò của truyền thông trong đời sống xã hội và chính trị. Cô luôn đấu tranh chống kiểm duyệt dưới mọi hình thức, và đặc biệt quan tâm tới tự do thông tin trên mạng Internet và tự do báo chí.
Với sự hỗ trợ của các blogger khác, cô viết và đăng trên blog của mình lược sử về “giới blog” Việt Nam từ khi hình thành tới hiện nay và vẫn tiếp tục cập nhật. Cô đăng tin gần như tường thuật trực tiếp về các vụ bắt giữ tùy tiện, trái pháp luật, các nhà hoạt động, người biểu tình và blogger hay vụ đóng cửa các tờ báo. Cô kêu gọi mọi người sử dụng mạng xã hội một cách có trách nhiệm để thúc đẩy một phong trào xã hội dân sự sống động và ôn hòa.
Ngoài ra, Phạm Đoan Trang còn thúc đẩy nền pháp trị. Cô là biên tập viên của Luật khoa Tạp chí, được thành lập trên mạng từ tháng Mười một năm 2014. Tạp chí này đã đăng nhiều bài viết và bài dịch liên quan tới nhiều vấn đề pháp lý như luật sư và nhân quyền, đấu tranh chống ép cung bắt nhận tội, về việc sử dụng nhục hình, bạo lực gia đình, cải cách pháp luật ở Trung Quốc, các vụ án tử hình nổi bật ở Việt Nam, quyền Miranda, và nhiều vấn đề khác. Tạp chí này cũng đăng các bài viết về Martin Luther King Jr. và Nelson Mandela.
Các vấn đề xã hội Phạm Đoan Trang quan tâm gồm có quyền của người LGBT, môi trường và quyền của phụ nữ. Cô quảng bá về các vấn đề quốc tế như phong trào dân chủ dù vàng ở Hồng Kông, về chủ đề này cô đã tổng kết lại lịch trình các sự kiện và các vấn đề chính cho độc giả Việt Nam không đọc được các ngôn ngữ khác, và thảm họa nhân quyền ở Crimea, cô dịch các bài báo về các chủ đề nói trên sang tiếng Việt.
Cô là đồng tác giả của nhiều bài báo về các vấn đề pháp lý cùng với luật gia Trịnh Hữu Long. Cô cùng với các blogger bạn bè điều hành một số trang mạng, trong đó có Vietnam Right Now và Luật khoa Tạp chí. Cô đã đi một số nước trên thế giới cùng với các blogger và các nhà hoạt động khác để kêu gọi sự chú ý đến vấn đề về nhân quyền ở Việt Nam.
Các bài viết của Phạm Đoan Trang cũng thể hiện nỗ lực phi thường của cô nhằm thu hút sự chú ý của quốc tế tới hồ sơ nhân quyền tệ hại của Việt Nam. Blog của cô có các bài dịch sang tiếng Anh những bài cô viết bằng tiếng Việt, trong đó có những tài liệu kêu gọi trả tự do cho tù nhân chính trị. Trong số các bài viết khác có thể kể đến “Report on Suppression of Bloggers celebrating International HR Day in Vietnam,” “Refoulement when Vietnam hands Uighur immigrants back to China?” “The Laws of State Impunity,” “Media Censorship in Vietnam,” và “Chronology of Blogging Movement in Vietnam.”
Nguyễn Tín
Nguyễn Tín là một ca sĩ, thỉnh thoảng biểu diễn các bài hát trữ tình được sáng tác từ giai đoạn lịch sử của thời Việt Nam Cộng hòa (miền Nam Việt Nam) vẫn bị cấm dưới chế độ cộng sản. Gần đây, anh bắt đầu hát về các chủ đề xã hội và nhân quyền và bi kịch của các tù nhân chính trị như Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) và Hồ Văn Hải (Bác sĩ Hồ Hải).
Anh cũng tham gia vận động quyên góp tiền để giúp gia đình các tù nhân chính trị. Tháng Sáu năm 2018, Nguyễn Tín tham gia một cuộc biểu tình phản đối dự luật về đặc khu kinh tế và dự luật an ninh mạng. Sau đó, công an câu lưu anh 48 tiếng và bắt anh đưa mật khẩu điện thoại. Khi anh từ chối, công an đánh anh tàn bạo. Anh tuyệt thực suốt thời gian bị câu lưu.
Nguyễn Đăng Cao Đại
Nguyễn Đăng Cao Đại là kỹ sư xây dựng và một người ủng hộ nhân quyền, giúp hỗ trợ các tù nhân chính trị như Trần Hoàng Phúc, Phan Kim Khánh, Trần Thị Nga và nhiều người khác. Anh từng tham gia phong trào dân chủ có tên là Khối 8406, được đặt theo ngày thành lập vào mồng 4 tháng Tư năm 2006. Anh vận động phản đối hoạt động của Formosa, một công ty thép Đài Loan đã xả chất thải độc xuống biển gây ra thảm họa môi trường biển quy mô lớn dọc bờ biển miền trung Việt Nam hồi tháng Tư năm 2016. Anh tham gia các cuộc biểu tình chống Đường Lưỡi Bò (Đường Chín Đoạn) của Trung Quốc và phản đối Chủ tịch Tập Cận Bình. Anh ủng hộ một phong trào của dân chúng vì một môi trường xanh và sạch.