Chính quyền đã bắt giữ năm người nói trên – Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Văn Đức Độ, Phan Trung, Từ Công Nghĩa và Nguyễn Quốc Hoàn – từ tháng Mười một năm 2016 vì cho rằng họ đã tham gia Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết, một nhóm chính trị độc lập. Công an cáo buộc năm người về tội danh “tiến hành các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 của Bộ luật hình sự năm 1999. Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ mở phiên xử năm người vào ngày mồng 5 tháng Mười năm 2018.
“Việc truy tố năm người cho thấy không hề có dấu hiệu chấm dứt tình trạng chính quyền đàn áp các tiếng nói kêu gọi đa nguyên chính trị, dân chủ hay tôn trọng nhân quyền,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Năm nhà vận động có nguy cơ ngồi tù với mức án nhiều năm chỉ vì dám phê phán Đảng Cộng sản.”
Ông Lưu Văn Vịnh, 51 tuổi, thường xuyên tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc và bảo vệ môi trường ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ông cũng tham dự các cuộc gặp mặt với các nhà hoạt động để thảo luận về các vấn đề nhân quyền. Tháng Tư năm 2015, công an câu lưu ông hơn 12 tiếng sau khi ông tới thăm các con của một gia đình dân oan khiếu kiện đất đai đã bị bắt trước đó vì ném a xít vào công an trong một vụ cưỡng chế ở tỉnh Long An.
Tháng Bảy năm 2016, Lưu Văn Vịnh tuyên bố thành lập liên minh. Lời tuyên bố nêu rõ rằng các đảng phái chính trị và các nhóm xã hội dân sự trong và ngoài nước cần liên kết lại để tạo đối trọng với các quan điểm của Đảng Cộng sản.
Công an bắt Lưu Văn Vịnh vào ngày mồng 6 tháng Mười một năm 2016 và cáo buộc ông theo điều 79 của bộ luật hình sự năm 1999. Đoàn Minh Tuân, một thành viên của liên minh đã chạy trốn và xin tị nạn ở Thái Lan, kể với phóng viên đài phát thanh Vietnam Sydney Radio rằng anh đến thăm Lưu Văn Vịnh buổi sáng hôm đó và chứng kiến vụ bắt giữ. Các nhân viên an ninh mặc thường phục xông vào nhà và bắt giữ họ mà không đưa ra một tờ lệnh bắt giữ nào. Trong quá trình bắt giữ, công anh đánh đập cả hai người rồi đưa họ đến một trụ sở công an mà họ không xác định được là ở đâu, để lấy cung.
Chiều hôm đó các nhân viên an ninh đưa Lưu Văn Vịnh về nhà ông và đọc lệnh bắt giữ. Đoàn Minh Tuân cho biết anh bị câu lưu ba ngày rồi được thả và bị theo dõi gắt gao. Trong vòng bốn tháng sau đó, công an triệu tập Đoàn Minh Tuân lên lấy cung nhiều lần, ép buộc anh nhận tội và cung cấp tin tức về Lưu Văn Vịnh. Đoàn Minh Tuân trốn sang Campuchia rồi sang Thái Lan vào tháng Tư năm 2017.
Tháng Năm năm 2018, Nhóm Công tác Về Bắt giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc công bố ý kiến rằng vụ bắt giữ Lưu Văn Vịnh là tùy tiện. Văn bản nêu rõ “xét mọi yếu tố liên quan đến vụ việc này, nhất là nguy cơ tổn hại sức khỏe của ông Vịnh, cách giải quyết thích hợp là phóng thích ông Vịnh ngay lập tức và trao cho ông quyền được bảo đảm đền bù và các hình thức bồi thường khác, phù hợp với luật pháp quốc tế.”
Nguyễn Văn Đức Độ, 43 tuổi, một người khác trong nhóm sắp bị đưa ra xử, cũng bị bắt vào ngày mồng 6 tháng Mười một năm 2016 ở Thành phố Hồ Chí Minh vì bị cho là có liên đới với Liên minh. Cũng giống như Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Văn Đức Độ tham gia các sự kiện liên quan tới nhân quyền và các cuộc biểu tình bảo vệ môi trường. Ông cũng góp sức với các nhà hoạt động vì quyền lợi người lao động, vận động cho lợi ích của công nhân. Một người không nêu tên trong gia đình ông kể với phóng viên Nhật báo Cali Today rằng lúc bị bắt, Nguyễn Văn Đức Độ “có yêu cầu là cho biết lý do bắt hoặc để cho người dân chứng kiến họ đọc lệnh bắt nhưng họ không chấp nhận. Họ khống chế Độ xong rồi họ đánh đập. Họ đánh Độ đến nỗi máu mắt, máu mũi và máu lỗ tai gì nó cũng ra hết.”
Hai người khác, Đỗ Phi Trường và Mạc Văn Phi, cho biết rằng họ đã bị công an câu lưu, đánh đập và thẩm vấn vào tháng Mười một năm 2016 về sự liên hệ của hai người với Liên minh.
Có rất ít thông tin về ba người kia, họ cũng bị bắt vào tháng Mười một năm 2016 vì bị cho rằng có liên quan tới Liên minh, và cũng bị đưa ra xử cùng với Lưu Văn Vịnh và Nguyễn Văn Đức Độ: Phan Trung (Sư thầy Nhật Huệ), 54 tuổi; Nguyễn Quốc Hoàn, 41 tuổi; và Từ Công Nghĩa, 25 tuổi.
Điều 4 của Hiến pháp Việt Nam quy định rằng Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nhưng không cấm việc thành lập các tổ chức chính trị khác. Dù vậy, chính quyền thường xuyên đàn áp các nỗ lực thành lập hoặc gia nhập các đảng hay nhóm chính trị phi cộng sản.
“Thực tế là những người cầm quyền ở Việt Nam đặt lợi ích của Đảng Cộng sản cao hơn tất cả, hơn cả luật pháp, hiến pháp và nhân dân,” ông Robertson nói. “Chính quyền Việt Nam có một lịch sử lâu dài về việc đàn áp mọi hình thức bất đồng chính kiến, và vẫn tiếp tục là một chính quyền hà khắc nhất trong khu vực.”