Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đánh giá cao cơ hội được đóng góp vào tiến trình chuẩn bị đang được triển khai cho cuộc Đối thoại Nhân quyền Liên minh châu Âu (EU) – Việt Nam lần thứ tám sắp tới, dự kiến sẽ được tổ chức tại Brussels vào ngày mồng 4 tháng Ba năm 2019.
Trong hai năm qua, chính quyền Việt Nam không thể hiện mối quan tâm nào đến việc cải thiện hồ sơ nhân quyền, bất chấp nhiều lời kêu gọi được nhắc đi nhắc lại và các sức ép gia tăng, kể cả từ Quốc hội châu Âu ngay trước khi đợt bỏ phiếu dự định về Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam bị hoãn lại. Những tiến bộ nhỏ nhoi từng đạt được, phần nào do sức ép của Hoa Kỳ liên quan tới Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương, đã bị mai một khi chính quyền Trump không coi bảo vệ nhân quyền là một việc cần ưu tiên. Với khoảng trống đó, việc EU lên tiếng về các vi phạm nhân quyền ở Việt Nam càng trở nên quan trọng hơn.
Hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Việt Nam tiếp tục xấu đi trong năm 2018. Chính quyền bắt các nhà bất đồng chính kiến phải chịu các mức án tù dài hơn và thông qua các bộ luật hà khắc đe dọa nghiêm trọng hơn tới quyền tự do ngôn luận. Đảng Cộng sản Việt Nam độc chiếm quyền lực thông qua chính phủ, kiểm soát tất cả các tổ chức chính trị xã hội chủ yếu, và trừng phạt những người dám phê phán hay thách thức vị trí cầm quyền của mình. Các quyền dân sự và chính trị cơ bản, trong đó có quyền tự do biểu đạt, lập hội và nhóm họp ôn hòa bị đè nén nghiêm trọng. Báo chí độc lập không được phép hoạt động vì chính quyền kiểm soát các đài truyền hình, phát thanh, báo và các ấn phẩm khác. Chính quyền Việt Nam cấm thành lập các tổ chức nhân quyền, hội đoàn chính trị và công đoàn độc lập với chính phủ. Công an thường xuyên sử dụng vũ lực quá mức để giải tán các cuộc biểu tình ôn hòa phê phán chính quyền.
Các nhà hoạt động lên tiếng chất vấn các chính sách hay các dự án của chính phủ, hoặc tìm cách bảo vệ các nguồn lực địa phương hoặc đất đai, phải đối mặt với nguy cơ bị sách nhiễu và theo dõi gắt gao hàng ngày, và trong nhiều trường hợp, bị quản chế tại gia, bị cấm đi lại, bị bắt giữ tùy tiện và thẩm vấn. Côn đồ, dường như có sự phối hợp của công an, ngày càng mạnh tay tấn công các nhà hoạt động mà không bị truy cứu trách nhiệm. Công an bắt các nhà bất đồng chính kiến phải chịu những đợt thẩm vấn kéo dài và ức chế, và giam giữ họ hàng tháng không được liên lạc với gia đình hay người trợ giúp pháp lý. Các tòa án do Đảng Cộng sản điều khiển nhận lệnh phải xử như thế nào trong các vụ án hình sự, và đưa ra các bản án ngày càng nặng đối với các nhà hoạt động bị truy tố theo các tội danh an ninh quốc gia ngụy tạo.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khuyến nghị EU nên tập trung vào năm lĩnh vực cần ưu tiên về tình hình nhân quyền ở Việt Nam: 1) những người đang bị giam giữ vì lý do chính trị; 2) tình trạng đàn áp các quyền tự do ngôn luận, nhóm họp, lập hội và đi lại; 3) đàn áp quyền tự do thông tin; 4) đàn áp quyền tự do thực hành tôn giáo; và 5) nạn công an bạo hành.
1. Những tù nhân, người bị tạm giam vì lý do chính trị
Việt Nam thường sử dụng các điều luật có ngôn ngữ mơ hồ và có thể diễn giải tùy tiện trong bộ luật hình sự để xử tù các nhà hoạt động chính trị và tôn giáo. Các điều luật đó bao gồm “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (điều 109); “phá hoại khối đoàn kết dân tộc” (điều 116); “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” (điều 117), và “phá rối an ninh” (điều 118). Việt Nam cũng sử dụng các điều khoản khác trong bộ luật hình sự để đối phó với các nhà vận động cho nhân quyền, như “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” (điều 331) và “gây rối trật tự công cộng” (điều 318).
Trong năm 2018, chính quyền Việt Nam đã kết án và bỏ tù ít nhất là 42 blogger và nhà hoạt động nhân quyền theo các điều luật hà khắc khác nhau, trong đó có Lưu Văn Vịnh (15 năm tù), Nguyễn Quốc Hoàn (13 năm tù), Nguyễn Văn Túc (13 năm tù), Nguyễn Trung Trực (12 năm tù), Nguyễn Trung Tôn (12 năm tù), Vương Văn Thả (12 năm tù), Nguyễn Bắc Truyển (11 năm tù), Nguyễn Văn Đức Độ (11 năm tù), Từ Công Nghĩa (10 năm tù) và Trần Thị Xuân (9 năm tù).
Bộ luật Tố tụng Hình sự Việt Nam có quy định rằng viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có thể quyết định tạm giam nghi can phạm các tội về an ninh quốc gia cho đến khi kết thúc điều tra (điều 173, khoản 5), và có thể không cho can phạm tiếp xúc với người bào chữa cho đến khi kết thúc điều tra (điều 74). Trên thực tế, điều này có nghĩa là những người bị tình nghi phạm các tội về an ninh quốc gia có thể bị công an giam, giữ mà không được tiếp xúc với luật sư với thời hạn tùy ý chính quyền. Ông Lê Đình Lượng, một nhà hoạt động vì môi trường, bị bắt từ tháng Bảy năm 2017 và bị cáo buộc về tội “lật đổ chính quyền nhân dân.” Ông bị cấm không cho tiếp xúc với luật sư từ lúc đó cho tới tận tháng Bảy năm 2018, và một tháng sau bị kết án 20 năm tù trong một phiên tòa không công bằng. Trong một vụ khác, Nguyễn Danh Dũng, một blogger, đã bị mất tích sau khi anh bị bắt hồi tháng Mười hai năm 2016.
EU cần, cả khi họp riêng và công khai, kêu gọi chính quyền Việt Nam:
- Ngay lập tức phóng thích toàn bộ những người đang bị giam, giữ vì lý do chính trị, bao gồm những người bị giam, giữ vì đã thực thi các quyền tự do ngôn luận, nhóm họp, đi lại hay lập hội tôn giáo và chính trị, và chấm dứt bắt bớ, giam giữ những người khác vì các hành vi nói trên.
- Hủy bỏ các điều 109, 116, 117, 118 và 331 của Bộ luật Hình sự, và sửa đổi Bộ luật Hình sự cho phù hợp với Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR);
- Hủy bỏ các điều 74 và 173 của Bộ luật Tố tụng Hình sự và cho phép tất cả những người bị tạm giam vì bất cứ hành vi vi phạm nào, bao gồm các tội liên quan đến an ninh quốc gia, được lập tức tiếp xúc với nguồn trợ giúp pháp lý ngay khi bị bắt.
Với vai trò là một biện pháp xây dựng lòng tin tức thì, Việt Nam cần cho phép gia đình, chuyên gia tư vấn pháp luật, các nhà quan sát bên ngoài từ EU và các nhóm nhân quyền và nhân đạo quốc tế được tiếp xúc với những người đang bị giam, giữ.
EU cần kêu gọi phóng thích khẩn cấp những người bị giam, giữ vì lý do chính trị đang gặp vấn đề về sức khỏe để họ được chữa trị đầy đủ. Một số trường hợp khẩn cấp nhất cần phóng thích ngay lập tức gồm có:
- Nhà hoạt động tôn giáo Ngô Hào, 71 tuổi, đã bị Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Yên xử có tội hồi tháng Chín năm 2013 với tội danh lật đổ theo điều 79 của bộ luật hình sự năm 1999 và kết án 15 năm tù giam. Chính quyền kết tội ông tiến hành “hoạt động với mục đích đòi thay đổi thể chế chính trị và hệ thống đa nguyên, đa đảng, cũng như vận động cho tự do tôn giáo ở Việt Nam.” Ông Ngô Hào hiện sức khỏe rất kém với các bệnh cao huyết áp, loét dạ dày và cholesterol cao. Trong lần thăm nuôi gần đây nhất vào ngày 28 tháng Giêng năm 2019 ở trại giam An Điềm tỉnh Quảng Nam, gia đình được biết ông đã bị một cơn đột quỵ. Một bên mắt ông không còn nhìn thấy gì và thị lực của mắt còn lại đang giảm sút nhanh.
- Nhà vận động dân chủ Nguyễn Trung Tôn, 47 tuổi, bị Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội xử có tội lật đổ theo điều 79 của bộ luật hình sự năm 1999 và kết án 12 năm tù giam vào tháng Tư năm 2018. Ông bị cáo buộc là thành viên của Hội Anh em Dân chủ, một nhóm do nhà hoạt động nổi tiếng Nguyễn Văn Đài thành lập để vận động cho các quyền chính trị và dân sự cơ bản. Nguyễn Trung Tôn bị thương nặng ở đầu gối, hậu quả của việc bị côn đồ được chính quyền bảo trợ bắt cóc và đánh đập dã man hồi tháng Hai năm 2017.
- Blogger Trần Thị Nga, 41 tuổi, bị Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Nam xử có tội tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 của bộ luật hình sự năm 1999 và kết án chín năm tù giam vào tháng Bảy năm 2017. Chính quyền cáo buộc cô “đã truy cập mạng internet để đăng tải nhiều đoạn video và bài viết” phê phán chính phủ. Sức khỏe cô bị ảnh hưởng nhiều từ các chấn thương cũ, hậu quả của việc bị côn đồ được chính quyền bảo trợ đánh đập dã man hồi tháng Năm năm 2014.
Các nhà hoạt động khác được biết cũng đang gặp các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe gồm có Nguyễn Văn Túc, Trần Thị Xuân, Trương Minh Đức và Hoàng Đức Bình. Tình trạng sức khỏe bất ổn của họ càng làm tăng thêm tính cấp thiết của việc EU cần kêu gọi Việt Nam phóng thích ngay lập tức những tù nhân đang bị giam giữ một cách phi lý nói trên.
2. Đàn áp quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, nhóm họp và tự do đi lại
Việt Nam tiếp tục ngăn cấm việc thành lập và hoạt động của các công đoàn và tổ chức nhân quyền độc lập và đảng phái chính trị. Các nhà tổ chức công đoàn độc lập phải đối mặt với nạn sách nhiễu, đe dọa và trả thù. Chính quyền kết tội và xử tù các nhà hoạt động vì quyền lợi người lao động Hoàng Đức Bình mức án 14 năm tù vào tháng Hai và Trương Minh Đức mức án 12 năm tù vào tháng Tư 2018.
Các tòa án do Đảng Cộng sản chỉ đạo trừng phạt nặng nề những người bị cáo buộc có liên quan tới các nhóm hay đảng phái chính trị bị Đảng Cộng sản Việt Nam coi là mối nguy với địa vị độc tôn quyền lực của mình. Trong năm 2018, bảy thành viên của một nhóm tự gọi là Hội Anh em Dân chủ - đã bị kết án từ 7 đến 13 năm tù giam. Năm người khác bị kết tội vì bị cho là tham gia Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết, một nhóm chính trị độc lập, và bị kết án từ 8 đến 15 năm tù.
Chính quyền quy định các cuộc tụ tập đông người phải xin phép trước và từ chối cấp phép một cách có hệ thống cho các cuộc mít tinh, tuần hành hay tụ tập nơi công cộng bị coi là không chấp nhận được về mặt chính trị. Tháng Sáu năm 2018, nhiều người cho biết đã bị sách nhiễu, câu lưu và đánh đập vì tham gia các cuộc biểu tình trên khắp đất nước để phản đối dự thảo luật về các đặc khu kinh tế và về luật an ninh mạng. Chính quyền đã đưa ít nhất là 127 người biểu tình ra tòa về hành vi phá rối trật tự công cộng và kết tội nhiều người với các bản án tù giam.
Việc hành hung thân thể nhằm vào các blogger và các nhà vận động nhân quyền vẫn tiếp tục xảy ra thường xuyên. Các nhà hoạt động và blogger thường xuyên bị hành hung dưới tay của các nhân viên công quyền hoặc côn đồ có liên quan tới chính quyền, mà những kẻ thủ ác không bị trừng phạt về các hành vi này. Trong tháng Sáu và tháng Bảy năm 2018 ở tỉnh Lâm Đồng, những người lạ mặt ném đá và vật liệu nổ tự tạo vào tư gia nhà hoạt động vì quyền lợi người lao động và cựu tù nhân chính trị, Đỗ Thị Minh Hạnh. Tháng Tám, các nhân viên an ninh đánh đập dã man các nhà hoạt động nhân quyền Phạm Đoan Trang, Nguyễn Tín và Nguyễn Đăng Cao Đại sau khi bố ráp một buổi biểu diễn ca nhạc ở Thành phố Hồ Chí Minh. Cũng trong tháng Tám, công an tỉnh Khánh Hòa câu lưu nhà hoạt động Ngô Thanh Tú và liên tục đánh đập anh. Tháng Chín, nhiều người mặc thường phục hành hung nhà hoạt động Huỳnh Công Thuận ở Thành phố Hồ Chí Minh khi anh đang trên đường đi làm về bằng xe máy. Cũng trong tháng Chín, những kẻ côn đồ lạ mặt tấn công và đánh gãy tay cựu tù nhân chính trị Trương Văn Kim ở tỉnh Lâm Đồng.
Chính quyền áp dụng những biện pháp cản trở việc đi lại trong nước nhằm ngăn cản các blogger và các nhà hoạt động không cho tham dự các sự kiện công cộng như biểu tình bảo vệ môi trường, hội luận nhân quyền hoặc tham dự các phiên tòa xử các nhà hoạt động bè bạn. Ngày 15 tháng Sáu năm 2018, nhà hoạt động nhân quyền Phạm Lê Vương Các bay từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Hà Nội để dự một kỳ thi. Công an câu lưu anh tại sân bay và thẩm vấn, rồi ép buộc anh bay trở lại Thành phố Hồ Chí Minh vì sợ anh kích động biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội vào cuối tuần đó. Ngày hôm sau, công an Thành phố Hồ Chí Minh cản trở không cho anh rời nhà. Vào ngày 16 tháng Sáu năm 2018, những người lạ mặt khóa trái cổng ngoài căn hộ của cựu tù nhân chính trị Lê Thị Công Nhân tại Hà Nội để ngăn cô và chồng mình, nhà hoạt động nhân quyền Ngô Duy Quyền, tham gia một cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Ngày 26 tháng Sáu năm 2018, công an Thành phố Hồ Chí Minh ngăn cấm các cựu tù nhân chính trị Lê Công Định và Phạm Bá Hải rời nhà để tham dự buổi gặp mặt kỷ niệm Ngày Quốc tế Ủng hộ Các Nạn nhân Bị Tra tấn.
Công an cũng cản trở các nhà vận động nhân quyền không cho xuất cảnh, đôi khi nêu các lý do về an ninh quốc gia rất mơ hồ. Tháng Ba năm 2018, công an tại sân bay Tân Sơn Nhất ngăn nhà thơ bất đồng chính kiến Bùi Minh Quốc, không cho ông đi Mỹ vì việc riêng. Tháng Năm năm 2018, can cửa khẩu Bờ Y ngăn cản Linh mục Đinh Hữu Thoại, một nhà hoạt động nhân quyền, không cho ông xuất cảnh đi Mỹ vì việc riêng. Cũng trong tháng Năm năm 2018, công an sân bay Tân Sơn Nhất cản trở nhà hoạt động vì quyền lợi người lao động Đỗ Thị Minh Hạnh không cho chị xuất cảnh đi Đức vì việc riêng. Tháng Sáu năm 2018, công an sân bay Tân Sơn Nhất ngăn cản Linh mục Nguyễn Duy Tân, một nhà hoạt động nhân quyền, không cho ông xuất cảnh đi du lịch sang Malaysia. Tháng Tám, công an từ chối cấp thị thực cho cựu tù nhân chính trị Lê Công Định mà không đưa ra lý do. Tháng Chín, công an câu lưu Tiến sỹ Nguyễn Quang A suốt mấy tiếng để ngăn không cho ông đi Australia. Theo lời ông, đây là lần thứ 18 ông bị công an câu lưu tính từ tháng Ba năm 2016.
EU cần, cả khi họp riêng và công khai, kêu gọi chính quyền Việt Nam:
- Ngay lập tức công nhận các công đoàn độc lập.
- Phê chuẩn các Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) số 87 (Tự do Lập hội và Bảo vệ Quyền được lập hội) và số 98 (Quyền Lập hội và Thương lượng Tập thể).
- Chấm dứt ngay lập tức nạn côn đồ được chính quyền dung túng.
- Chấm dứt ngay lập tức việc cản trở đi lại của các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền cả ở trong nước, và khi xuất, nhập cảnh.
- Điều chỉnh các quy định pháp luật quy định việc tụ tập nơi công cộng và biểu tình cho phù hợp với các quyền tự do nhóm họp và lập hội nêu trong điều 21 và 22 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR).
- Giải quyết các khiếu kiện về đất đai và tham nhũng của quan chức địa phương mà không dùng đến bạo lực quá mức cần thiết hay các vi phạm nhân quyền khác, bằng cách tăng cường hệ thống pháp luật và tính độc lập của ngành tư pháp và cung cấp các dịch vụ pháp lý đến tận người dân nghèo ở các vùng nông thôn.
- Cho cá nhân người dân có quyền tự do và ôn hòa lập hội với những người khác có cùng quan điểm, dù những quan điểm của họ có đi ngược lại với các quan điểm chính trị và tư tưởng được Đảng và nhà nước chuẩn thuận.
- Trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện những người bị bắt giữ vì các hành động ôn hòa nhằm thúc đẩy quyền tự do lập hội của người lao động, trong đó có quyền thành lập và gia nhập công đoàn theo sự lựa chọn riêng; nhóm họp ôn hòa để bảo vệ và đòi hỏi quyền lợi của họ; và thực thi các quyền tự do biểu đạt đại diện cho người lao động và các mối quan tâm của họ.
3. Đàn áp quyền tự do thông tin
Chính quyền Việt Nam tiếp tục cấm mọi hoạt động của các kênh báo chí tư nhân và độc lập, kiểm soát chặt chẽ các kênh truyền thanh, truyền hình và ấn phẩm. Các tội danh hình sự thường được sử dụng để trừng phạt những ai phát tán các tài liệu bị coi là chống chính quyền, gây hại tới an ninh quốc gia, tiết lộ bí mật nhà nước hay tuyên truyền các ý tưởng “phản động.” Nhà cầm quyền chặn đường truy cập các trang mạng nhạy cảm về chính trị và thường xuyên tìm cách đóng các blog, hay yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet gỡ bỏ các nội dung hoặc tài khoản mạng xã hội mà chính quyền tùy tiện cho là không chấp nhận được về chính trị.
Tháng Giêng năm 2019, bộ luật an ninh mạng của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực. Các quy định trong bộ luật quá mơ hồ và lỏng lẻo này trao cho nhà cầm quyền khả năng tùy tiện phán quyết khi nào thì các hành vi ngôn luận phải bị kiểm duyệt vì “vi phạm pháp luật.” Các nhà cung cấp dịch vụ phải gỡ bỏ các nội dung vi phạm trong vòng 24 tiếng từ khi nhận được yêu cầu của các cơ quan công quyền. Các công ty internet cũng buộc phải lưu trữ dữ liệu trong nước, xác thực thông tin người sử dụng, và cung cấp thông tin về người sử dụng cho nhà cầm quyền mà không cần có lệnh của tòa án – tất các các quy định đó đe dọa quyền riêng tư và có thể tạo điều kiện cho việc đàn áp mạnh hơn nữa các hành vi bất đồng chính kiến hoặc vận động trên mạng.
Vào tháng Tám năm 2018, công an bắt Nguyễn Ngọc Ánh ở tỉnh Bến Tre vì bị cho là sử dụng Facebook để kêu gọi mọi người biểu tình. Tháng Chín năm 2018, các tòa án ở tỉnh Cần Thơ xử Bùi Mạnh Đồng, Đoàn Khánh Vinh Quang, Nguyễn Hồng Nguyên và Trương Đình Khang vì các bài đã đăngvà chia sẻ các bài viết trên Facebook phạm tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước” theo điều 331 của bộ luật hình sự. Bốn người bị áp các bản án từ một năm đến hai năm rưỡi tù giam.
Tháng Giêng năm 2019, có tin chính quyền đã câu lưu ít nhất năm người sử dụng Facebook vì các hoạt động trên mạng và hai nhà hoạt động chính trị khác. Cựu tù nhân chính trị, blogger nổi tiếng Trương Duy Nhất chạy trốn sang Băng Cốc để xin tị nạn vào giữa tháng Giêng năm 2019. Kể từ ngày 26 tháng Giêng năm 2019 đến nay, không một ai, kể cả người trong gia đình, liên lạc được với ông.
EU cần, cả khi họp riêng và công khai, kêu gọi chính quyền Việt Nam:
- Điều chỉnh luật báo chí cho phù hợp với điều 19 của công ước ICCPR.
- Cho phép xuất bản các tờ báo và tạp chí tư nhân, độc lập và không bị kiểm duyệt.
- Gỡ bỏ mọi hạn chế về sử dụng Internet, như chặn lọc, theo dõi, và trả tự do cho những người bị bỏ tù hay tạm giam vì đã phát tán quan điểm của mình trên mạng Internet một cách ôn hòa.
- Sửa đổi Luật An ninh mạng cho phù hợp với các tiêu chuẩn về nhân quyền quốc tế, trong đó có ICCPR.
4. Đàn áp quyền được tự do thực hành tôn giáo
Chính quyền Việt Nam hạn chế các hoạt động thực hành tôn giáo bằng các quy phạm pháp luật, các quy định về đăng ký, sách nhiễu và theo dõi. Các tổ chức tôn giáo bị quy định phải được sự phê chuẩn và đăng ký với chính quyền, đồng thời phải hoạt động dưới các ban trị sự do nhà nước quản lý. Dù nhà cầm quyền cho phép nhiều nhà thờ, chùa chiền trong hệ thống kiểm soát của nhà nước được tổ chức thờ phượng, cúng lễ, nhưng họ vẫn cấm các hoạt động tôn giáo bị họ tùy tiện cho là đi ngược với “lợi ích quốc gia,” “trật tự xã hội” hay “khối đại đoàn kết dân tộc.”
Công an Việt Nam giám sát, sách nhiễu và đôi khi đàn áp mạnh tay đối với các nhóm tôn giáo hoạt động bên ngoài hệ thống tôn giáo chính thức do nhà nước kiểm soát. Các chi phái không được công nhận của đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, các nhà thờ tại gia của đạo Tin Lành và Công Giáo độc lập, các chùa Phật giáo Khmer Krom và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất liên tục bị theo dõi, sách nhiễu và đe dọa. Tín đồ của các nhóm tôn giáo độc lập phải đối mặt với nguy cơ bị đấu tố đông người, ép buộc từ bỏ đạo, giam giữ, thẩm vấn, tra tấn và bỏ tù. Trong năm 2018, nhà cầm quyền xét xử và ra phán quyết có tội đối với ít nhất là 10 nhà hoạt động thuộc Phật giáo Hòa Hảo độc lập và kết án họ nhiều năm tù.
Ngày 22 tháng Sáu năm 2018, nhiều người mặc thường phục xông vào nhà của nhà hoạt động tôn giáo Cao Đài Hứa Phi ở tỉnh Lâm Đồng, đánh đập và cắt râu ông. Hứa Phi nói với một phóng viên Đài Á Châu Tự Do rằng vụ tấn công có thể liên quan tới lời mời ông đến gặp các nhà ngoại giao Úc vào ngày 25 tháng Sáu ở Thành phố Hồ Chí Minh để chuẩn bị cho một cuộc đối thoại nhân quyền.
Tháng Chín năm 2018, dưới sức ép của công an, nhà lãnh đạo tôn giáo nổi tiếng đã 91 tuổi, Hòa thượng Thích Quảng Độ bị buộc phải rời Thanh Minh Thiền Viện ở Thành phố Hồ Chí Minh để về quê ở tỉnh Thái Bình.
Những người Thượng ở Tây Nguyên bị theo dõi liên tục và chịu nhiều hình thức đe dọa, kiểm điểm trước đông người, bắt giữ tùy tiện và ngược đãi khi bị lực lượng an ninh giam giữ. Trong lúc bị bắt giữ, họ bị nhà quyền chất vấn về các hoạt động tôn giáo và chính trị, và có kế hoạch trốn khỏi Việt Nam hay không.
EU cần, cả khi họp riêng và công khai, kêu gọi chính quyền Việt Nam:
- Cho phép tất cả các tổ chức tôn giáo độc lập được tự do tiến hành các hoạt động tôn giáo và tự quản lý. Các cơ sở thờ tự, dòng tu không muốn gia nhập một tổ chức tôn giáo chính thức được công nhận, với ban trị sự do chính quyền phê chuẩn, phải được cho phép hoạt động độc lập.
- Chấm dứt sách nhiễu, ép buộc bỏ đạo, bắt bớ, xét xử, bỏ tù và ngược đãi người dân vì họ là tín đồ của các tôn giáo không vừa ý nhà nước, và phóng thích tất cả những người đang bị giam giữ vì đã ôn hòa thực thi quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng, ngôn luận, nhóm họp và lập hội.
- Chấm dứt mọi đối sách ngăn chặn người Thượng và những công dân Việt Nam khác rời khỏi đất nước và không trừng phạt những người hồi hương.
- Bảo đảm rằng mọi quy phạm pháp luật quốc gia liên quan tới tôn giáo được ban hành sao cho phù hợp với công pháp quốc tế về nhân quyền, trong đó có ICCPR mà cả Việt Nam và EU đã tham gia ký kết. Sửa đổi mọi điều luật trong nước có nội dung xâm phạm quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng, ngôn luận, lập hội và nhóm họp ôn hòa, trái với ICCPR.
- Cho phép những quan sát viên bên ngoài, bao gồm các cơ quan của Liên Hiệp quốc, các tổ chức phi chính phủ quan tâm tới nhân quyền, và các nhà ngoại giao nước ngoài, được đi lại không bị cản trở hay kèm cặp tới Tây Nguyên, kể cả tới các thôn xã có người Thượng mới đi tị nạn nước ngoài. Bảo đảm rằng những người nói chuyện hoặc giao tiếp với những quan sát viên bên ngoài đó không bị trả đũa hay trừng phạt dưới bất kỳ hình thức nào.
5. Nạn công an bạo hành
Trên khắp các vùng miền, công an Việt Nam đã và đang bạo hành những người bị giam giữ, dẫn đến cái chết ở một số trường hợp. Trong nhiều trường hợp, nạn nhân tử vong chỉ bị câu lưu vì những vi phạm nhỏ. Một số người sống sót cho biết họ bị công an đánh đập để buộc nhận tội, đôi khi về những hành vi họ đã tuyên bố không hề thực hiện. Dù chính quyền có cam kết sẽ cải thiện tình trạng này sau khi Tổ chức Theo dõi Nhân quyền công bố phúc trình về nạn công an bạo hành vào tháng Chín năm 2014, dường như những cán bộ công an đã gây ra những sai phạm nghiêm trọng, thậm chí chết người, rất ít khi phải chịu những hậu quả pháp lý nghiêm trọng tương xứng.
Tháng Mười năm 2018, Châu Dung Thành, 35 tuổi, bị bắt ở Thành phố Hồ Chí Minh vì bị cho là có hành vi ăn cướp. Anh chết sau khi bị bắt vài tiếng đồng hồ. Một tháng sau, hai công an viên bị cáo buộc tội “sử dụng nhục hình” với nghi can. Cũng trong tháng Mười, Huỳnh Thị Nhung, 45 tuổi, bị chết cũng chỉ vài giờ sau khi bị triệu tập tới đồn công an thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa vì là chủ một nhà nghỉ bị tình nghi có dịch vụ mại dâm. Công an thông báo rằng bà tự tử bằng cách dùng một chiếc kéo tự đâm vào cổ.
Tháng Mười năm 2018, Phạm Quý Hùng, 44 tuổi bị còng tay đưa về đồn công an thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang vì bị nghi là có tranh cãi với một người khác về việc mua bán đất. Phạm Quý Hùng kể với phóng viên rằng mình đã bị nhiều người đánh đập ở đồn công an. “Khi tôi quỵ xuống, họ tiếp tục túm tóc tôi, đánh vào đầu và mặt. Tôi ngất đi thì họ đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Quốc.” Kết quả chẩn đoán cho thấy anh bị đa chấn thương ở đầu và bụng.
Tháng Mười một, ông Lê Phong, 53 tuổi, bị triệu tập đến đồn công an xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế, vì bị tình nghi đánh vợ. Ông Lê Phong kể với phóng viên rằng trong lúc hỏi cung, phó trưởng công an xã La Xuân Xáng “bất ngờ lấy dùi cui cao su đánh từ trên xuống. Chưa dừng lại, ông Xáng còn dùng chân đạp bên hông trái tôi, rồi chộp lấy lỗ tai tôi xách lên, đồng thời, cầm con dao phay và yêu cầu tôi phải thẳng tay ra. Ngay lập tức, ông Xáng trở con dao lại đánh vào tay tôi, lúc đó tôi đau đớn kêu cứu.” Sau đó ông Lê Phong được đưa tới bệnh viện chữa trị. Trong bản tự kiểm điểm được báo chí đăng tải, La Xuân Xáng nói rằng ông ta đã “dùng tay phải của tôi đụng vào bàn tay trái của ông Lê Phong gây thương tích bầm tím.”
Tháng Mười hai năm 2018, ông Nguyễn Minh Sang, 46 tuổi, bị tạm giữ ở Thành phố Hồ Chí Minh vì có mặt tại một sới bạc ngoài trời và sau khi bị bắt vài giờ được đưa đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch. Ông được chẩn đoán bị chấn thương sọ não và ba ngày sau đó đã chết. Anh trai nạn nhân nói với phóng viên rằng nhiều người chứng kiến vụ bố ráp nhìn thấy một công an viên đánh ông Nguyễn Minh Sang bằng dùi cui.
EU cần, cả khi họp riêng và công khai, kêu gọi chính quyền Việt Nam:
- Các quan chức cấp cao trong chính quyền và ngành công an cần đưa ra thông điệp rõ ràng và dứt khoát dưới nhiều hình thức như văn bản công khai, thông tư nội bộ và các biện pháp cụ thể, rằng việc tra tấn, đánh đập hay bất kỳ hình thức ngược đãi nào trong khi giam giữ cũng không chấp nhận được, và sẽ bị trừng trị.
- Thành lập một ủy ban độc lập về khiếu tố đối với ngành công an để tiếp nhận những khiếu nại của người dân, và giám sát các cơ quan “thanh tra nội bộ” hay “giám sát trách nhiệm nghề nghiệp” của công an. Ủy ban này cần phải là pháp nhân có chức năng pháp lý có thể khởi tố hoặc áp đặt kỷ luật nếu cơ quan “thanh tra nội bộ” hay “giám sát trách nhiệm nghề nghiệp” không làm được việc đó trong các sự vụ đã có thông tin khiếu tố đáng tin cậy.
- Bảo đảm rằng các công an viên liên can đến tra tấn hay các hành vi ngược đãi khác sẽ bị kỷ luật hoặc khởi tố theo quy định, bất kể ở cấp bậc nào.
- Sửa đổi Bộ Luật Tố tụng Hình sự để tạo điều kiện cho luật sư hay người trợ giúp pháp lý có mặt ngay sau khi bắt giữ, tạm giam để:
- Luật sư hay người trợ giúp pháp lý chỉ cần xuất trình chứng minh thư và một bản photocopy có công chứng của giấy phép hành nghề là có thể gặp thân chủ.
- Luật sư hay người trợ giúp pháp lý được phép gặp riêng thân chủ ở nơi kín đáo và không hạn chế thời gian.
- Luật sư hay người trợ giúp pháp lý được phép có mặt tại tất cả các buổi lấy cung giữa công an và nghi can.