Skip to main content

Tờ trình về Việt Nam của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền lên Ủy ban về Quyền Trẻ em

Trước phiên họp lần thứ 87, năm 2020

Tờ trình này tập trung về các vấn đề bạo hành và phân biệt đối xử nhằm vào thanh thiếu niên đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới (LGBT), vấn đề bảo vệ học sinh, sinh viên, giáo viên và học đường trong các vụ xung đột vũ trang, và bạo hành đối với trẻ em nói chung. Tờ trình này đề xuất các vấn đề và các câu hỏi liên quan mà các thành viên của Ủy ban có thể muốn nêu ra với chính phủ Việt Nam. 

1. Thanh thiếu niên LGBT (Các điều số 2, 13, 17, 19, 24, 28 và 29)

Sách nhiễu bằng lời nói và bắt nạt 

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ghi nhận tình trạng phân biệt đối xử và bạo lực nhằm vào thanh thiếu niên LGBT ở gia đình và ở học đường trong các năm 2018 và 2019. Ở Việt Nam, các huyền thoại hoang đường không chính xác nhưng rất tràn lan về xu hướng tính dục và bản dạng giới, ví dụ như niềm tin sai lệch rằng hấp dẫn tính dục đồng giới là một triệu chứng tâm lý có thể chẩn đoán và chữa trị được, đã gây các tác động đặc biệt trầm trọng đối với thanh thiếu niên LGBT.[1]  

Học sinh, sinh viên ở nhiều loại trường học khác nhau - ở đô thị và nông thôn, công lập và tư thục – kể với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền rằng nhiều bạn học và thầy cô giáo đã sách nhiễu bằng lời nói đối với học sinh, sinh viên LGBT, dùng các từ ngữ miệt thị để chỉ người LGBT, đôi khi nhằm trực tiếp vào các em, kèm theo đe dọa bạo lực. Nghiên cứu của nhiều cơ quan Liên Hiệp Quốc và các nhóm ở Việt Nam đã xác thực ý kiến nói trên. [2] Trong một bản báo cáo năm 2014, Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) ghi nhận rằng: “các cơ sở giáo dục không an toàn đối với học sinh LGBT do thiếu chính sách ngăn ngừa bắt nạt và kỳ thị. Hơn nữa, giáo dục tính dục và xu hướng tính dục và bản dạng giới ở Việt Nam vẫn rất hạn chế và bị coi là chủ đề nhạy cảm nên các giáo viên thường tránh né.” [3]    

Các thanh thiếu niên LGBT bị bắt nạt và cô lập ở trường phải chịu hàng loạt hậu quả tiêu cực. Các em cảm thấy căng thẳng do bị bắt nạt và sách nhiễu, và tình trạng căng thẳng đó ảnh hưởng tới khả năng học tập. [4] Một số em nói rằng do bị bắt nạt vì xu hướng tính dục và bản dạng giới khiến các em đi học thất thường hoặc bỏ học ở nhà, do đó bị tước mất quyền được giáo dục. [5]

Các trường học nhiều khi không bảo vệ được học sinh, sinh viên trước bạo hành thể chất. Điểm giống nhau giữa các vụ xâm hại bằng lời nói và thể chất là sự thiếu vắng cách phản ứng nhất quán từ phía giáo chức nhà trường, và học sinh sinh viên thiếu tin tưởng rằng có các cơ chế sẵn có để giải quyết các vụ bạo lực và kỳ thị. Các giáo viên thường không được tập huấn và trang bị đầy đủ để xử lý các trường hợp kỳ thị nhằm vào học sinh LGBT và các bài giảng của họ thường củng cố huyền thoại hoang đường phổ biến ở Việt Nam rằng luyến ái đồng tính là một căn bệnh.  

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khuyến nghị Ủy ban yêu cầu Việt Nam:

  • Ban hành một văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục về các biện pháp cụ thể cần thực hiện nhằm phòng chống sách nhiễu và kỳ thị, bao gồm cụ thể cả việc sách nhiễu và kỳ thị có nguyên nhân từ xu hướng tính dục và bản dạng giới, tại học đường;
  • Mời chuyên gia độc lập của Liên hiệp quốc về bảo vệ chống kỳ thị và bạo hành có nguyên nhân từ xu hướng tính dục và bản dạng giới đến thăm Việt Nam và tư vấn về các tiến bộ của chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực quyền của người LGBT và các bước tiếp theo;
  • Sửa đổi lại Luật Bình đẳng Giới năm 2006 để có các điều khoản cụ thể nhằm bảo vệ bản dạng giới và thể hiện giới tính;
  • Phê chuẩn Công ước Chống Kỳ thị trong Giáo dục của UNESCO.  
     

2. Bất cập trong Giáo dục Giới tính tại Học đường (Điều 24 và 28)

Đến thời điểm này, các chính sách và việc thực hành giáo dục giới tính ở Việt Nam không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, và thiếu phần thảo luận về xu hướng tính dục và bản dạng giới. Giáo trình chuẩn quốc gia được áp dụng cho các trường học cũng không đề cập gì đến các vấn đề LGBT. Dù một số trường học và giáo viên có tự lực đưa những bài học đó vào chương trình giảng dạy, khoảng trống ở cấp quốc gia khiến đa số học sinh Việt Nam không có các thông tin cơ bản về xu hướng tính dục và bản dạng giới.

Điều bất cập nói trên đang thể hiện hậu quả có hại. Thanh thiếu niên nhận thức theo niềm tin phổ biến, nhưng không chính xác, rằng luyến ái đồng giới là một triệu chứng tâm lý có thể chẩn trị được. [6] Thất bại của chính phủ Việt Nam trong việc xử lý thông tin sai lệch này đã khiến cho nó tiếp tục lan tràn không hạn chế. Điều này đã gây các hậu quả tiêu cực đối với những thanh thiếu niên LGBT được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phỏng vấn, ở nhiều cấp độ, từ chỗ là nguồn gốc của tệ kỳ thị và sách nhiễu cho đến việc cha mẹ đưa con cái đi gặp chuyên gia tâm lý để tìm cách chữa trị. Ngay cả các thanh thiếu niên sau này xác định bản thân là queer cũng ghi nhận rằng họ lớn lên với các định khuôn và thông tin sai lệch về bản thân và những người khác. Trong một số trường hợp, những kiến thức sai lệch đó đã châm ngòi cho thái độ thù ghét, thậm chí bạo lực đối với người LGBT.          

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khuyến nghị Ủy ban hỏi chính phủ Việt Nam:

  • Chính phủ Việt Nam có thể cung cấp các chi tiết về kế hoạch thực thi các hướng dẫn về chương trình giáo dục giới tính toàn diện do Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng năm 2019 được không?
  • Chính phủ Việt Nam có thể trình bày cách thức họ thực hiện công tác truyền thông đến dân chúng rằng luyến ái đồng tính là một biến thể tự nhiên của tính dục nhân loại và không phải là một triệu chứng tâm lý có thể chẩn trị được không?   

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khuyến nghị Ủy ban yêu cầu Việt Nam:

  • Đề xướng và thực thi các tài liệu hướng dẫn về giảng dạy giáo dục giới tính toàn diện, cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
  • Ngay lập tức tổ chức các khóa tập huấn ngắn hạn bắt buộc cho tất cả các giáo viên về giới tính và tính dục, bao gồm cả nội dung về sức khỏe tình dục, và các thông tin chính xác về xu hướng tính dục và bản dạng giới.
  • Đưa các học phần về xu hướng tính dục, bản dạng giới và nhân quyền vào các chương trình giảng dạy tại các trường cao đẳng và đại học sư phạm.
  • Ký kết Bản Kêu gọi của UNESCO về Hành động đối với bạo lực nhằm vào người đồng tính và chuyển giới, để thể hiện cam kết về cải cách chính sách nhằm bảo vệ học sinh, sinh viên LGBT.

3. Bảo vệ Học sinh, Sinh viên, Giáo viên và Học đường Trong Xung đột Vũ trang (Các Điều 28, 38, 39)

Tháng Mười năm 2019, Việt Nam trở thành quốc gia thứ 97 ký kết Tuyên ngôn về An toàn Học đường và qua đó cam kết sử dụng các Hướng dẫn về Bảo vệ Học đường và Trường Đại học, Không Sử dụng vào Mục đích Quân sự trong Xung đột Vũ trang làm tài liệu hướng dẫn trong các hoạt động quân sự. 

Tính đến ngày 31 tháng Giêng năm 2020, Việt Nam đã cử 63 quân nhân và 6 sỹ quan tham mưu tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc trên toàn thế giới. [7] Những quân nhân đó có nghĩa vụ phải tuân thủ “Hướng dẫn Hoạt động đối với Bộ binh Liên Hiệp Quốc” (2012) của Vụ Chiến dịch Gìn giữ Hòa bình Liên hiệp quốc, trong đó có điều khoản “quân đội không được sử dụng trường học trong các chiến dịch quân sự.”

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khuyến nghị Ủy ban hỏi chính phủ Việt Nam:

  • Nội dung bảo vệ trường học không bị sử dụng vào mục đích quân sự có được đưa vào chương trình tập huấn cho quân nhân Việt Nam trước khi điều động tham gia vào các công tác gìn giữ hòa bình không? 
  • Các quy định pháp luật, chính sách và chương trình tập huấn của Việt Nam có nêu cụ thể nội dung cấm sử dụng học đường và các trường đại học vào mục đích quân sự trong trường hợp có xung đột vũ trang không?

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khuyến nghị Ủy ban:

  • Khen ngợi Việt Nam đã thông qua Tuyên ngôn về An toàn Học đường và Hướng dẫn về Bảo vệ Học đường và Trường Đại học, Không Sử dụng vào Mục đích Quân sự trong Xung đột Vũ trang;
  • Khuyến khích Việt Nam tiếp tục xây dựng và chia sẻ các ví dụ điển hình trong việc thực thi cam kết trong Tuyên ngôn với các quốc gia đã thông qua Tuyên ngôn về An toàn Học đường và với Ủy ban như các ví dụ về thực hành tốt trong việc bảo vệ học sinh, giáo viên và học đường khi có xung đột vũ trang;
  • Khuyến khích các quốc gia khác trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thông qua bản tuyên ngôn này.

4. Bạo hành Trẻ em (Điều 19)

Bạo lực đối với trẻ em, kể cả lạm dụng tình dục, lan tràn ở Việt Nam. Các trường hợp bạo hành nghiêm trọng xảy ra trong gia đình, ở học đường và các nơi công cộng trên khắp đất nước và thường được đưa tin thường xuyên trên báo chí nhà nước. Báo chí Việt Nam thường đăng các tin bài rùng rợn về các vụ xâm hại: bóp cổ và đánh đấm, quất roi, tát mạnh, và chỉ tính riêng trong năm ngoái rất nhiều tin bài về cha mẹ hay thầy cô giáo đánh đập trẻ em bằng roi gậy, cùng với một số vụ lạm dụng tình dục, trong đó có các giáo viên hoặc nhân viên các cơ sở nhà nước. Trẻ em bị tát hay đánh đập ở nhà hoặc ở học đường là chuyện thường chứng kiến được ở các không gian công cộng hay tư gia.

Một bản tuyên bố của UNICEF năm 2017, trích dẫn các khảo sát từ năm 2014, ghi nhận rằng “Trừng phạt bằng bạo lực rất phổ biến, với gần 68,4 phần trăm trẻ em trong độ tuổi từ 1 – 14 cho biết đã trải nghiệm một dạng bạo lực ở nhà do cha mẹ hay người chăm sóc gây ra. [8] Khoảng 20 phần trăm trẻ em tám tuổi ở cả hai giới cho biết đã bị phạt đòn ở trường.” Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (MOLISA) công bố 7.829 vụ xâm hại trẻ em trong giai đoạn từ tháng Giêng năm 2015 đến tháng Sáu năm 2019. Trong tháng Giêng năm 2020, giới chức nhà nước ghi nhận rằng khoảng 80 phần trăm các vụ xâm hại được báo cáo trong những năm gần đây là xâm hại tình dục. Còn rất nhiều vụ không được báo cáo. Trong một thảo luận bàn tròn của BBC năm 2017, một quan chức UNICEF dẫn nguyên nhân các định kiến xã hội ăn sâu trong văn hóa Việt Nam là một yếu tố ngăn cản những người chứng kiến hoặc chính nạn nhân tố cáo về các vụ xâm hại. 

Chính quyền Việt Nam đã nhận thức được mức độ nghiêm trọng và quy mô của nạn lạm dụng trẻ em, và đã thực hiện một số bước đi để giải quyết tình trạng này. Tháng Mười hai năm 2017, chính quyền công bố ra mắt một đường dây nóng toàn quốc để báo tin về lạm dụng trẻ em, và vào tháng Mười hai năm 2019, chính phủ ban hành Kế hoạch Hành động Quốc gia năm năm nhằm phòng chống lạm dụng trẻ em. Kế hoạch có mục tiêu tăng cường nhận thức về lạm dụng trẻ em cho các em và gia đình, bao gồm thông qua tuyên truyền báo chí và các phong trào vận động công chúng; nâng cao kỹ năng của những người làm công tác xã hội, giáo viên và nhân viên ngành giáo dục nhằm ngăn ngừa xâm hại; cải thiện dịch vụ y tế đối với các em bị xâm hại; và tăng cường tập huấn cho công an để ứng phó tốt hơn với các tin tố cáo xâm hại.   

Các kế hoạch được chính phủ Việt Nam công bố thể hiện một bước đi quan trọng nhưng nhìn chung quá khái quát và các biện pháp đề nghị còn bất cập.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khuyến nghị Ủy ban hỏi chính phủ Việt Nam:

  • Chính phủ Việt Nam có thể cung cấp các chi tiết về cách thức thực hiện các bước đi được nêu ra trong Kế hoạch Hành động Quốc gia, đặc biệt là về kế hoạch vận động công chúng và tập huấn cho nhân sự ngành giáo dục, công an và các viên chức nhà nước khác không?
  • Chính phủ Việt Nam có thể cung cấp các chi tiết về việc Việt Nam định dùng cách thức nào để đánh giá liệu nạn xâm hại trẻ em có giảm xuống hay không?

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khuyến nghị Ủy ban khen ngợi chính phủ Việt Nam đã cam kết tăng cường hành động về lạm dụng trẻ em, và khuyến khích chính quyền Việt Nam:   

  • Cân nhắc lại định nghĩa về xâm hại trẻ em trong pháp luật và chính sách của Việt Nam để bao gồm khung rộng hơn về các hình thức ngược đãi, kể cả lạm dụng bằng lời nói, xâm hại về tinh thần và tình cảm, bắt nạt, và trừng phạt thân thể mức độ thấp.
  • Phát động một phong trào toàn quốc về xâm hại trẻ em để giáo dục người lớn và học sinh sinh viên về xâm hại trẻ em và tác hại đối với sức khỏe, và các mức xử phạt tương ứng với những kẻ có hành vi xâm hại trẻ em;
  • Đẩy nhanh các kế hoạch cung cấp tập huấn bắt buộc về xâm hại trẻ em cho tất cả giáo viên và nhân viên làm việc trong các trung tâm nuôi dạy trẻ, nhà trẻ, mẫu giáo, trường phổ thông, đồng thời giáo dục về chống xâm hại cho các cha mẹ chuẩn bị có con;
  • Đẩy nhanh các kế hoạch tập huấn cho công an, và cân nhắc việc mời các chuyên gia quốc tế tham gia giúp tập huấn để cải thiện cách ứng phó khi có báo cáo về xâm hại trẻ em, đồng thời tạo ra một môi trường thân thiện hơn để khuyến khích người dân báo cáo về các vụ việc xâm hại trẻ em;
  • Bổ sung tập huấn bắt buộc về chống xâm hại cho tất cả các tổ chức do đảng và nhà nước điều hành.

[1] Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, “Giáo viên nói tôi bị bệnh”: Những rào cản đối với quyền giáo dục của thanh thiếu niên LGBT ở Việt Nam, ngày 12 tháng Hai năm 2020, https://www.hrw.org/vi/report/2020/02/12/338620 (truy cập ngày 16 tháng Hai năm 2020).

[2] UNDP và USAID, Being LGBT in Asia: Viet Nam Country Report, 2014, (Người LGBT ở Châu Á: Phúc trình Quốc gia về Việt Nam, 2014) https://www.usaid.gov/sites/default/files/documents/1861/Being_LGBT_in_Asia_Viet_Nam_report_ENG.pdf (truy cập ngày 16 tháng Hai năm 2020); Lương Thế Huy và Phạm Quỳnh Phương, “Is it because I am LGBT?”: Discrimination based on sexual orientation and gender identity in Viet Nam, (“Có phải vì tôi là LGBT không?”: Tình trạng kỳ thị căn cứ trên xu hướng tình dục và bản dạng giới ở Việt Nam) The Institute for Studies of Society, Economy and Environment – Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), tháng Hai năm 2016, https://www.vn.undp.org/content/vietnam/en/home/library/democratic_governance/is-it-because-i-am-lbgt.html (truy cập ngày 16 tháng Hai năm 2020).

[3] UNDP và USAID, Being LGBT in Asia: Viet Nam Country Report, 2014, (Người LGBT ở Châu Á: Phúc trình Quốc gia về Việt Nam, 2014) https://www.usaid.gov/sites/default/files/documents/1861/Being_LGBT_in_Asia_Viet_Nam_report_ENG.pdf (truy cập ngày 16 tháng Hai năm 2020).

[4] Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, “Giáo viên nói tôi bị bệnh”: Những rào cản đối với quyền giáo dục của thanh thiếu niên LGBT ở Việt Nam, ngày 12 tháng Hai năm 2020, https://www.hrw.org/vi/report/2020/02/12/338620 (truy cập ngày 16 tháng Hai năm 2020).

[5] Như trên đã dẫn.

[6] Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, “Giáo viên nói tôi bị bệnh”: Những rào cản đối với quyền giáo dục của thanh thiếu niên LGBT ở Việt Nam, ngày 12 tháng Hai năm 2020, https://www.hrw.org/vi/report/2020/02/12/338620 (truy cập ngày 16 tháng Hai năm 2020).

[7] Vụ Chiến dịch Gìn giữ Hòa bình Liên Hiệp Quốc, Contributors to UN Peacekeeping Operations by Country and Post Police, UN Military Experts on Mission, Staff Officers and Troops, (Đóng góp cho các Chiến dịch Gìn giữ Hòa bình của Liên Hiệp Quốc tính theo Quốc gia và Cơ sở Cảnh sát, Chuyên gia Quân sự LHQ về Chiến dịch, Sỹ quan Tham mưu và Quân nhân) https://peacekeeping.un.org/en/troop-and-police-contributors

[8] “Violent discipline, sexual abuse and homicides stalk millions of children worldwide,” (“Trừng phạt bằng bạo lực, xâm hại tình dục và giết người ám ảnh hàng triệu trẻ em trên khắp thế giới”) UNICEF, ngày mồng 1 tháng Mười một năm 2017, https://www.unicef.org/vietnam/press-releases/violent-discipline-sexual-abuse-and-homicides-stalk-millions-children-worldwide (truy cập ngày 26 tháng Hai năm 2020).

 

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.

Region / Country