Skip to main content

Việt Nam

Các sự kiện năm 2019

Vietnam Political Prisoners 

© 2020 Private

Việt Nam

Trong năm 2019 Việt Nam không làm gì mấy để cải thiện hồ sơ yếu kém về nhân quyền của mình. Chính quyền tiếp tục hạn chế tất cả các quyền dân sự và chính trị cơ bản, trong đó có quyền tự do ngôn luận, nhóm họp, lập hội và quyền tự do thực hành tín ngưỡng và tôn giáo. Bất kể một tổ chức hay nhóm nào bị coi là có nguy cơ đối với sự độc tôn quyền lực của Đảng Cộng sản đều bị chính quyền cấm thành lập và hoạt động.

Nhà cầm quyền chặn đường truy cập tới các trang mạng và yêu cầu các công ty viễn thông và/hoặc mạng xã hội phải gỡ bỏ các nội dung bị coi là nhạy cảm về chính trị. Những người lên tiếng phê phán chế độ độc đảng phải đối mặt với nguy cơ bị công an đe dọa, sách nhiễu, cản trở việc đi lại, bị hành hung thân thể, câu lưu, bắt giữ và tù giam. Các nghi can bị bắt có thể bị công an giam giữ hàng tháng trời mà không được tiếp xúc với luật sư và bị thẩm vấn thô bạo. Các tòa án do đảng kiểm soát kết án các nhà hoạt động và blogger dựa trên các cáo buộc ngụy tạo về an ninh quốc gia. Trong năm 2019, chính quyền đã kết án ít nhất là 25 người trong các vụ án có động cơ chính trị.

Trong tháng Giêng, Việt Nam đã đưa ra một hình ảnh không chính xác về hồ sơ nhân quyền trong đợt Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneva. Chính quyền Việt Nam tuyên bố một cách thiếu thuyết phục rằng đã thực hiện đầy đủ được 159 nội dung, và thực hiện một phần được 16 nội dung nữa trong tổng số 182 khuyến nghị đã được chấp thuận trong đợt Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát lần trước vào năm 2014.

Tháng Mười, Việt Nam thông qua Tuyên ngôn về Học đường An toàn, một cam kết chính trị quốc tế nhằm bảo vệ các cơ sở giáo dục trong khi có xung đột vũ trang.
 

Tự do biểu đạt, chính kiến, và ngôn luận

Các blogger viết về nhân quyền ở Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với nạn sách nhiễu và dọa dẫm. Chính quyền thường bắt giữ những nhà phê bình chính trị vì đăng tải bài viết lên mạng internet. Năm 2019, Việt Nam đã đưa ra xét xử ít nhất là 14 người và kết án họ từ năm đến chín năm tù về tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.”

Các nhà hoạt động và blogger thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ bị hành hung dưới tay của các nhân viên công quyền hoặc côn đồ dường như có sự phối hợp với nhà cầm quyền và được miễn trừ trách nhiệm. Trong tháng Giêng, một số người lạ mặt bắt cóc và trùm đầu nhà vận động chống tham nhũng Hà Văn Nam, đưa anh lên một chiếc xe van vừa lái đi lòng vòng vừa đánh đập anh, rồi bỏ anh ngoài cổng một bệnh viện với hai chiếc xương sườn bị gãy. Tháng Sáu, nhà hoạt động nhân quyền Trương Minh Hưởng bị bốn người đàn ông mặc thường phục tấn công sau khi ông đi thăm gia đình một số tù nhân chính trị. Ông bị gẫy một xương sườn.

Tháng Bảy, một nhóm các nhà hoạt động bị tấn công ở tỉnh Nghệ An trên đường tới một trại giam ở địa phương để bày tỏ sự ủng hộ đối với các tù nhân chính trị trong trại đang tuyệt thực để phản đối ngược đãi. Khi các nhà hoạt động gần tới trại giam, một đám đông người mặc thường phục tấn công họ bằng gậy và mũ bảo hiểm, đập điện thoại và cướp tài sản của họ. Nhiều người trong nhóm đã bị thương, trong đó có blogger nổi tiếng Huỳnh Ngọc Chênh và vợ ông, nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thúy Hạnh.

Công an thường khống chế tại gia hoặc câu lưu các nhà hoạt động nhằm ngăn cản họ không cho tham dự các buổi họp mặt, biểu tình hay các phiên tòa xử các nhà hoạt động bè bạn. Tháng Ba năm 2019, các nhân viên an ninh ngăn cản một số nhà văn, nhà thơ, không cho họ rời khỏi nhà để đi dự một lễ trao giải do Văn Việt – một nhóm văn nghệ hoạt động không có sự phê chuẩn của chính quyền, tổ chức. Tháng Năm, công an chặn đường và ngăn cản bạn bè và đồng nghiệp đang tìm cách đến thăm blogger Nguyễn Hữu Vinh, người vừa mãn án tù năm năm. Tháng Năm, nhân viên an ninh ngăn cản  các cựu tù nhân chính trị Lê Công Định và Phạm Bá Hải, và Hứa Phi, một nhà hoạt động tôn giáo Cao Đài, không cho họ rời nhà để đi gặp các nhà ngoại giao Hoa Kỳ trước khi diễn ra cuộc Đối thoại Nhân quyền Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2019. Tháng Năm, 44 nhà hoạt động và blogger đã ký một lá thư ngỏ lên án việc vi phạm quyền tự do đi lại.

Công an cũng cản trở không cho một số nhà vận động nhân quyền ra nước ngoài, đôi khi viện những lý do mơ hồ về an ninh quốc gia. Tháng Ba, công an cấm không cho vợ tù nhân chính trị Nguyễn Bắc Truyển, bà Bùi Kim Phượng, rời Việt Nam để đi Singapore. Tháng Sáu, nhà hoạt động vì môi trường Cao Vĩnh Thịnh bị cấm xuất cảnh Việt Nam để đi Thái Lan.

Tự do truyền thông và tiếp cận thông tin

Việt Nam tiếp tục cấm các kênh truyền thông tư nhân hoặc độc lập hoạt động. Chính quyền kiểm soát chặt chẽ các đài phát thanh, truyền hình và cơ sở in ấn. Có sẵn các tội danh hình sự để áp dụng cho những người phát tán các tài liệu bị coi là chống chính quyền, đe dọa an ninh quốc gia, hay khuyến khích các tư tưởng “phản động.” Nhà cầm quyền chặn đường kết nối tới các trang mạng, thường xuyên buộc đóng các blog và yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet phải gỡ bỏ các nội dung hay tài khoản mạng xã hội bị coi là trái ý chính quyền về chính trị.

Tháng Giêng năm 2019, bộ luật an ninh mạng đầy vấn đề của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực. Bộ luật quá mơ hồ và lỏng lẻo này trao cho chính quyền khả năng tùy tiện kiểm duyệt việc biểu đạt tự do và buộc các nhà cung cấp dịch vụ phải gỡ bỏ các nội dung trái ý chính quyền trong vòng 24 tiếng từ khi nhận được yêu cầu.

Tháng Tám, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu rằng Facebook đã tuân thủ khoảng “70 đến 75 phần trăm” các yêu cầu của chính quyền về ngăn chặn nội dung đăng tải, tăng lên so với “khoảng 30 phần trăm” trong thời gian trước đây. Trong số các nội dung bị Facebook gỡ bỏ, theo Bộ này, có “hơn 200 link bài viết có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước.”

Bộ trưởng cũng tuyên bố Google đã tuân thủ “80 đến 85 phần trăm” các yêu cầu lọc gỡ nội dung trên Youtube và các dịch vụ khác của Google – tăng lên so với “60 phần trăm” trong thời gian trước. Bộ này không công bố nguồn hay cơ sở pháp lý của các yêu cầu nói trên. Bộ Thông tin Truyền thông còn nói đã yêu cầu Facebook giới hạn quyền phép phát sóng trực tiếp (livestream) và có chính sách “tiền kiểm” các nội dung đăng tải và gỡ các quảng cáo “phát tán tin giả liên quan đến các vấn đề chính trị khi có yêu cầu từ chính phủ.”

Facebook phát biểu với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền rằng các tiêu chuẩn liên quan tới việc gỡ bỏ hay chặn nội dung theo khu vực địa lý đều “mang tính toàn cầu.” Quy trình gỡ bỏ hay chặn lọc nội dung, theo Facebook cho biết trong một văn bản, “ở Việt Nam cũng giống như ở các nơi khác trên thế giới.” Các nội dung bị báo cáo trước tiên sẽ được xem xét xem có vi phạm Tiêu chuẩn Cộng đồng của công ty này hay không; nếu nội dung không vi phạm, Facebook cho biết khi đó họ sẽ đánh giá xem yêu cầu của chính quyền có phù hợp với pháp luật địa phương và công pháp quốc tế về nhân quyền hay không.

Tháng Năm, một tòa án ở tỉnh Đồng Nai kết án hai người sử dụng Facebook là Vũ Thị Dung và Nguyễn Thị Ngọc Sương các mức án lần lượt là sáu và năm năm tù, vì đọc và nghe các tài liệu trên Facebook và phân phát tờ rơi kêu gọi mọi người biểu tình chống Trung Quốc và chống chính quyền đàn áp. Hai người bị cáo buộc tội tàng trữ tài liệu “nhằm chống lại nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 117 bộ luật hình sự. Chính quyền cũng kết luận có tội và kết án các nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Ngọc Anh mức án sáu năm tù vào tháng Sáu và Nguyễn Năng Tĩnh mức án 11 năm tù vào tháng Mười một, đều vì các bài đăng trên Facebook của họ.
 

Tự do lập hội và nhóm họp

Việt Nam tiếp tục cấm các công đoàn, tổ chức nhân quyền và đảng phái chính trị độc lập. Các nhà tổ chức muốn thành lập các công đoàn độc lập hay nhóm công nhân độc lập phải đối mặt với sự sách nhiễu, đe dọa và trả thù. Tháng Hai, nhà hoạt động vì người lao động Nguyễn Hoàng Quốc Hùng mãn án chín năm tù vì giúp tổ chức một cuộc đình công ở tỉnh Trà Vinh vào năm 2010. Ngay lập tức anh bị công an theo dõi gắt gao.

Dưới sức ép quốc tế và trong nước, trong tháng Sáu, Quốc Hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế về thương lượng tập thể và quyền tổ chức.

Nhà cầm quyền quy định các cuộc tụ tập đông người phải được chuẩn thuận, và từ chối cấp phép một cách có hệ thống đối với các cuộc gặp gỡ, tuần hành hay hội họp công cộng bị coi là không chấp nhận được về chính trị.
 

Tự do tôn giáo

Chính quyền Việt Nam hạn chế các hoạt động thực hành tôn giáo bằng các quy phạm pháp luật, bằng các quy định về đăng ký, và bằng việc theo dõi. Các nhóm tôn giáo phải được phê chuẩn và đăng ký với chính quyền, đồng thời phải hoạt động dưới các ban trị sự do nhà nước quản lý.

Dù nhà cầm quyền cho phép nhiều nhà thờ, chùa chiền trong hệ thống kiểm soát của nhà nước được tổ chức thờ phượng, cúng lễ, nhưng vẫn cấm các hoạt động tôn giáo bị tùy tiện quy kết là đi ngược lại với “lợi ích quốc gia,” “trật tự công cộng” hay “khối đại đoàn kết dân tộc,” trong đó có nhiều hoạt động tôn giáo thông thường. Công an giám sát, sách nhiễu và đôi khi dùng vũ lực đàn áp đối với các nhóm tôn giáo hoạt động bên ngoài hệ thống tôn giáo do nhà nước kiểm soát. Các nhóm tôn giáo không được công nhận, trong đó có các chi phái của đạo Cao Đài, Hòa Hảo, Công giáo, Tin lành, và Phật giáo phải đối mặt với nguy cơ bị theo dõi liên tục, bị sách nhiễu và đe dọa. Tín đồ của các nhóm tôn giáo độc lập có thể bị đấu tố trước đông người, bị buộc từ bỏ đạo, bị giam giữ, thẩm vấn, tra tấn và bỏ tù.

Tháng Ba, một tòa án ở tỉnh Gia Lai đưa Ksor Ruk ra xét xử vì theo chi phái Tin lành Đề ga không được chính quyền công nhận và kết án ông 10 năm tù. Từ năm 2005 đến năm 2011 Ksor Ruk đã phải thụ án sáu năm tù cũng với tội danh đó. Tháng Tám, Rah Lan Hip bị chính tòa án này kết án bảy năm tù, cũng vì tham gia đạo Tin lành Đề ga. Tháng Tư năm 2019, công an tỉnh Điện Biên đưa tin rằng đã thuyết phục được “163 hộ với 1.006 người từ bỏ tà đạo Giê Sùa.” Tháng Năm năm 2019, Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế đã công bố phúc trình, trong đó Việt Nam bị xếp hạng là một “Quốc gia Cần Quan tâm Đặc biệt.”
 

Các đối tác quốc tế chủ chốt

Trung Quốc vẫn là cường quốc nhất có ảnh hưởng lớn nhất tới Việt Nam. Các tranh chấp về lãnh hải tiếp tục làm phức tạp quan hệ song phương giữa hai chính quyền của Đảng Cộng sản vốn tương đồng về chính sách áp bức nhân quyền. Tháng Bảy và Tháng Tám, tàu khảo sát Hải dương Địa chất 8 của Trung Quốc vào vùng biển gần bãi Tư Chính, khiến Hà Nội lên tiếng phản đối. Việt Nam có vẻ được lợi từ cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trong tám tháng đầu năm 2019, Trung Quốc nổi lên giành vị trí nhà đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Việt Nam.

Quan hệ của Việt Nam với Liên minh Châu Âu cải thiện đáng kể. Tháng Sáu, EU và Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Châu Âu, sẽ có tác dụng tăng cường thương mại đáng kể giữa hai bên sau khi được cả hai phía phê chuẩn. Trong năm nay, EU cũng nêu quan ngại về việc kết án và bỏ tù một số nhà hoạt động nhân quyền. Tháng Sáu, một số thành viên Nghị viện Châu Âu đã viết một lá thư yêu cầu EU gây sức ép với chính quyền Việt Nam nhằm cải thiện hồ sơ nhân quyền.

Hoa Kỳ tiếp tục mở rộng quan hệ với Việt Nam. Các chiến hạm của Hải quân Hoa Kỳ đã cập bến một số cảng của Việt Nam, và các sỹ quan Việt Nam đã tham gia các cuộc tập huấn do Hoa Kỳ chỉ đạo, kể cả các khóa ở Mỹ. Tháng Hai, Tổng thống Donald Trump chọn Việt Nam làm nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong-Un. Tháng Tám, hai tướng cao cấp trong Không quân Hoa Kỳ đã tới thăm chính thức Việt Nam, là một trong số nhiều chuyến thăm của các sỹ quan quân đội Hoa Kỳ trong khuôn khổ các sự kiện khu vực và song phương.

Quan hệ song phương của Australia với Việt Nam tiếp tục phát triển. Tháng Tám năm 2019, Thủ tướng Scott Morrison tới thăm Hà Nội, nhưng không công khai nêu được các quan ngại về nhân quyền trong chuyến đi. Mối quan tâm của Australia về các vi phạm nhân quyền của chính quyền Hà Nội chỉ dồn vào cuộc đối thoại nhân quyền thường niên mà chẳng thu được bất kỳ một tín hiệu khả quan nào từ phía Hà Nội.

Với tư cách là nhà tài trợ song phương quan trọng nhất của Việt Nam, Nhật Bản tiếp tục giữ im lặng về lịch sử đàn áp nhân quyền lâu dài của Việt Nam. Tháng Năm, Bộ trưởng Quốc phòng Takeshi lwaya tới thăm Việt Nam để thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa hai quốc gia. Tháng Bảy, Thủ tướng Shinzo Abe đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở Tokyo. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền được biết rằng các vấn đề nhân quyền không hề được trao đổi ở cả hai cuộc gặp nói trên.