(New York, ngày 11 tháng Năm, 2010) - Toà án phúc thẩm Thành phố Hồ Chí Minh cần hủy bỏ cáo trạng đối với ba nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng trong phiên toà dự kiến sẽ diễn ra ngày 11 tháng Năm năm 2010. Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), nếu Việt Nam không hủy bỏ hoàn toàn và giữ lại bất cứ phần nào trong cáo trạng cũng sẽ là chỉ dấu mới về sự bất khoan dung đối với đa nguyên chính trị.
Ba nhà hoạt động, các ông Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long, bị kết án vào tháng Giêng năm 2010 về tội "nhằm lật đổ chính quyền" theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự Việt Nam, vì họ đã tham gia thành lập một đảng đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ bị kết án tù từ 5 năm đến 16 năm. Ông Thức, người đã khẳng định trước toà rằng mình vô tội, và tuyên bố rằng bản nhận tội của mình là do bị ép cung, phải chịu mức án nặng nhất. Nhân vật hoạt động thứ tư, ông Nguyễn Tiến Trung, không nộp đơn kháng cáo. Đơn kháng án của nhân vật thứ năm, ông Trần Anh Kim, bị kết án tù với thời hạn năm năm rưỡi theo Điều 79 vào tháng Mười Hai năm 2009, đã bị bác bỏ trong phiên phúc thẩm ngày mồng 1 tháng Năm.
"Trình tự tố tụng đối với tù nhân chính trị ở Việt Nam thường là một con đường chẳng dẫn đến đâu cả", theo ông Brad Adams, Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền. "Các mức án nặng nề là minh chứng cho sự bất khoan dung của chính quyền Việt Nam đối với các công dân muốn bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa. Các nhà hoạt động này, cũng như hàng loạt các nhân vật khác đang bị cầm tù bất công vì đã chỉ trích chính quyền một cách ôn hòa, cần phải được phóng thích ngay lập tức."
Các ông Định, Thức, Long và Trung bị kết tội liên kết với các nhà hoạt động người Việt ở nước ngoài với mục đích thành lập Đảng Dân chủ Việt Nam, một tổ chức bị cấm, cũng như tất cả các nhóm chính trị đối lập khác ở nước này. Chính quyền Việt Nam không hề xem xét đến yếu tố thực tế là hành vi này hoàn toàn mang tính bất bạo động, vì họ cho rằng điều đó không có ý nghĩa gì hết. Bản cáo trạng dành cho ông Định - một luật sư uy tín được đào tạo ở Mỹ theo học bổng Fulbright - ghi rõ rằng ông ta sử dụng "diễn biến hòa bình" và "nhân quyền và dân chủ để làm vỏ bọc thực hiện các âm mưu lật đổ."
Bầu không khí chính trị ở Việt Nam đang trở nên căng thẳng hơn khi các phe phái ganh đua nhau giành ghế trước khi Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 11 diễn ra vào năm tới để bầu ra ban lãnh đạo Đảng trong nhiệm kỳ năm năm tiếp theo. Động thái xiết chặt tin tức về một loạt các phiên tòa chính trị xử các nhân vật đối kháng trong thời gian gần đây, trong đó ít nhất 17 người đã bị kết án tù tính từ tháng Mười, là biểu hiện cho thấy chính quyền Việt Nam kiên quyết thẳng tay bóp nghẹt công luận về tù nhân chính trị, nhân quyền và phản kháng ôn hòa, đặc biệt là qua mạng internet.
Việc chính quyền sách nhiễu các blogger đối kháng, cũng như các đợt tấn công mạng nhằm vào các trang web đối lập góp phần dẫn tới việc thiếu thốn thông tin về phiên tòa phúc thẩm quan trọng này trên các trang web và blog tiếng Việt độc lập, nơi cung cấp nguồn tin khác với những tin tức bị kiểm duyệt trên các phương tiện truyền thông Việt Nam do nhà nước kiểm soát.
"Các đối tác phát triển quốc tế của Việt Nam cần lên tiếng khi các nhà đối kháng chính trị ôn hòa lỗi lạc bị cầm tù trong đợt đàn áp chính trị ngày càng gia tăng", ông Adams nói. "Sự ủng hộ đối với các nhà hoạt động dân chủ, các tác giả trên internet và các nhà bảo vệ nhân quyền dũng cảm không những có tác động tích cực đối với những người đang bị sách nhiễu và cầm tù, mà còn khiến cho giới quan chức chính quyền Hà Nội phải hết sức lưu tâm."
Việt Nam đang giữ ghế Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đến hết năm 2010. Hiến chương của ASEAN, đã được 10 quốc gia thành viên thông qua vào tháng Mười Một năm 2007, khẳng định rõ ràng cam kết "tuân thủ các nguyên tắc dân chủ... tôn trọng và bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do căn bản."
"Khi tiến hành các phiên tòa trình diễn như thế này, và dành cho các nhà đối lập chính trị bất bạo động những án tù nặng nề, Việt Nam đang tỏ ra coi thường các nguyên tắc cốt lõi của Hiến chương ASEAN", ông Adams phát biểu. "Làm sao Việt Nam có thể tuyên bố rằng mình quan tâm đến triển vọng một ASEAN vì con người trong khi chính quyền vẫn đang bỏ tù những công dân can đảm nhất của chính đất nước mình?"