Hôm nay Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng chính quyền Việt Nam cần hủy bỏ bản án đối với ba nhà vận động vì quyền lợi người lao động bị kết án tù lâu năm. Ba người bị bắt vào tháng Hai năm 2010 vì phân phát tờ rơi và tham gia tổ chức cuộc đình công của 10.000 công nhân ở công ty giày da Mỹ Phong tại tỉnh Trà Vinh. Tòa án Nhân dân tỉnh Trà Vinh sẽ xử phiên phúc thẩm vào ngày 18 tháng Ba năm 2010.
Chính tòa án này đã xử sơ thẩm Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, 30 tuổi, Đỗ Thị Minh Hạnh, 26 tuổi và Đoàn Huy Chương, 26 tuổi với tội danh "phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân" theo điều 89 của bộ luật hình sự vào ngày 26 tháng Mười năm 2010. Hùng bị kết án chín năm tù. Hai người còn lại, mỗi người bị kết án bảy năm tù. Không ai trong số họ có luật sư biện hộ tại phiên xử, hay được phát biểu tự bào chữa.
"Tất cả những gì mà Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh và Đoàn Huy Chương làm chỉ là khẳng định quyền của công nhân Việt Nam được tổ chức, nhóm họp và bãi công một cách ôn hòa để đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc," ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu. "Việc chính quyền Việt Nam, vốn tự nhận là có hệ tư tưởng gắn bó với công nhân, kết án họ ở phiên sơ thẩm đã là một việc tàn nhẫn. Tòa phúc thẩm cần ngay lập tức hủy bỏ quyết định bất công này."
Theo luật pháp Việt Nam, công nhân bị cấm thành lập công đoàn độc lập theo sự lựa chọn của mình. Thay vào đó, tất cả các công đoàn phải được đăng ký và gia nhập Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, liên hiệp công đoàn chính thức, nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản.
Chương là một trong những người sáng lập Hiệp hội Đoàn kết Công nông. Anh từng bị kết án tù 18 tháng vào năm 2006 với tội danh "lợi dụng các quyền tự do dân chủ."
Cả Hùng và Hạnh đều là người ủng hộ tích cực cho phong trào Dân oan, một phong trào giúp đỡ công nhân bị bần cùng hoá và nông dân mất đất khiếu nại đòi chính phủ đền bù. Hùng cũng là một thành viên của khối dân chủ 8406.
Theo gia đình của ba nhà hoạt động vì người lao động này, cán bộ trại giam đã gây áp lực vì muốn họ từ bỏ quyền kháng án. Thân nhân họ cũng cho biết trong đợt thăm nuôi hồi tháng Mười Một, cán bộ trại giam chỉ cho phép người nhà hỏi thăm sức khỏe, mà không được đề cập đến việc mời luật sư bào chữa.
Gia đình họ có nhờ luật sư biện hộ, nhưng đến tận ngày 17 tháng Giêng, luật sư vẫn chưa được phép tiếp xúc với các bị cáo, dù tòa phúc thẩm đã có kế hoạch xử vào ngày 24 tháng Giêng. Ngay hôm sau, ba gia đình đứng tên chung gửi một lá đơn khiếu nại lên các cấp chính quyền, trong đó có Bộ Công an và Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Trà Vinh, yêu cầu tòa án tôn trọng quyền được bào chữa của các bị cáo và hoãn phiên xử. Sau đó, tòa đã dời ngày xử phúc thẩm sang 18 tháng Ba.
"Cách thức chính quyền Việt Nam đối xử với công nhân cũng như các tổ chức của họ thường xuyên vi phạm quyền tự do chọn lựa công đoàn, và với chính sách như vậy, người lao động càng nghèo hơn," ông Robertson nói. "Không có lý do gì để biện minh cho việc áp đặt những mức án tù nặng nề đối với ba nhà vận động công nhân ở cấp cơ sở này, và cần phải trả tự do cho họ ngay lập tức."