(New York) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng Quốc Hội Việt Nam cần sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình để bảo đảm cho các cặp đồng tính cũng được hưởng đầy đủ tất cả các quyền như mọi cặp vợ chồng khác, trong đó có quyền kết hôn, thủ tục đăng ký và được pháp luật bảo hộ đầy đủ về tài sản và con cái.
Quốc Hội hiện đang trong kỳ họp để thảo luận về thay đổi hiến pháp Việt Nam và các vấn đề khác. Theo lịch họp mới nhất vừa được công bố, ngày 29 tháng Mười một năm 2013 sẽ là ngày cuối cùng của kỳ họp này, tuy kế hoạch đó có thể còn được thay đổi và gia hạn.
“Việt Nam đang tăng cường các quyền cho những cặp đồng tính, nhưng vẫn cần đạt tới bước cuối cùng để đảm bảo công bằng cho tất cả mọi người,” ông Brad Adams, Giám đốc phụ trách Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Những điều luật có nội dung mập mờ có thể gây kỳ thị đối với những người có quan hệ đồng giới, song giới và chuyển đổi giới. Giới chức chính quyền cần có can đảm xác lập sự công bằng về hôn nhân trong luật pháp Việt Nam.”
Việt Nam có một phong trào đồng giới nam, đồng giới nữ, song giới và chuyển giới (LGBT) khá sôi nổi và đang lớn mạnh, và có vẻ được sự ủng hộ rộng rãi của dư luận chung. Theo tin tức các báo chí Việt Nam, một số bộ và cơ quan chính phủ khác ủng hộ quyền kết hôn đồng tính. Tiếp theo động thái này, chính phủ ban hành Nghị định Số 110/2013/NĐ-CP, ký ngày 24 tháng Chín năm 2013 hủy bỏ các quy định trong một nghị định cũ về áp dụng biện pháp xử phạt đối với hành vi tổ chức hoặc tham gia đám cưới đồng tính. Nghị định mới có hiệu lực kể từ ngày 12 tháng Mười một năm 2013.
Bản dự thảo của chính phủ về sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 đang trình ra Quốc Hội bổ sung thêm cho nỗ lực trên, với đề xuất hủy bỏ các quy định coi hôn nhân đồng tính là bất hợp pháp. Tuy nhiên, dự thảo này vẫn chưa chính thức hợp pháp hóa các quan hệ nói trên, khiến chưa rõ sắp tới các cặp LGBT có được đăng ký kết hôn với chính quyền hay không.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam cần được soạn thảo lại để loại trừ những quy định mơ hồ hay rõ ràng, nhằm nghiêm cấm mọi hình thức phân biệt đối xử vì xu hướng luyến ái, định dạng xu hướng luyến ái hay căn cướcgiới tính. Nếu luật không được giải thích rõ ràng, quyền của các cặp đồng tính về bình đẳng trước pháp luật và các quy định hành chính liên quan tới đời sống hàng ngày ở Việt Nam có thể bị ảnh hưởng, kéo theo vị thế của họ khi làm việc với các cơ quan pháp luật và công quyền.
Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCRP) mà Việt Nam cũng là một quốc gia thành viên, có bao gồm các trách nhiệm và nghĩa vụ nhân quyền quốc tế để bảo đảm không phân biệt đối xử trên cơ sở xu hướng luyến ái hay căn cước giới tính. Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã xác nhận rằng khái niệm “tính dục” trong các điều khoản của ICCRP “phải được hiểu là có bao gồm xu hướng luyến ái,” và Ủy ban về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc đã khẳng định rằng việc “bảo đảm công bằng và không kỳ thị phải được hiểu, trong phạm vi rộng nhất có thể, theo hướng tạo thuận lợi cho khả năng bảo đảm đầy đủ các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa.”
Những nguyên tắc nói trên về nhân quyền được tái khẳng định trong nội dung các khuyến nghị trên báo cáo của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền trình ra Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về tình hình phân biệt đối xử dựa trên xu hướng luyến ái và căn cước giới tính, được Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc công bố ngày 17 tháng Mười một năm 2011, và Quyết nghị số 17/19 của Hội đồng Nhân quyền ký ngày 17 tháng Sáu năm 2011. Việt Nam tham gia Hội đồng Nhân quyền vào ngày 12 tháng Mười một năm 2013, và với tư cách là một thành viên, có nghĩa vụ phải “duy trì các tiêu chuẩn cao nhất trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người.”
“Báo chí Việt Nam đã bày tỏ quan ngại rằng Quốc Hội sẽ để việc hợp pháp hóa hôn nhân chỉ là một ‘giấc mơ xa vời’ thôi,” ông Adams nói. “Chính quyền cần đưa ra sáng kiến để biến điều đó thành hiện thực hạnh phúc, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia tiên phong ở Châu Á về bảo vệ quyền của những người LGBT.”