(New York) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đề cập trong bản Phúc trình Toàn Cầu 2019 của mình, trong năm 2018 Việt Nam đã gia tăng chính sách đàn áp có hệ thống các quyền dân sự và chính trị cơ bản.
Chính sách đàn áp nói trên bao gồm việc xâm phạm các quyền tự do ngôn luận, nhóm họp và lập hội, và quyền tự do thực hành tôn giáo. Dù thành tích nhân quyền của Việt Nam đang xấu đi, rất nhiều nhà tài trợ và đối tác thương mại vẫn lờ những diễn biến đó đi và cứ tiến hành làm ăn như thường.
“Chính sách leo thang đàn áp và áp các mức án tù ngày càng nặng thể hiện ý định của chính quyền cố bẻ gãy ý chí của những người vận động cải cách, nhưng chiến lược đó đã có tác dụng ngược, vì càng ngày càng có nhiều người đứng lên đòi nhân quyền,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu. “Các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế cần công khai ủng hộ những nhà bảo vệ nhân quyền dũng cảm đó.”
Trong Phúc trình Toàn cầu năm 2019 dài 674 trang, xuất bản thường niên lần thứ 29, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đánh giá tình hình thực thi nhân quyền ở hơn 100 quốc gia. Trong bài đề dẫn, Giám đốc Điều hành Kenneth Roth viết rằng phong trào dân túy gieo rắc lòng thù ghét và bất khoan dung ở nhiều quốc gia đang vấp phải sự chống đối. Liên minh mới của các chính quyền tôn trọng nhân quyền, thường do các nhóm công dân và công chúng khởi xướng và tham gia, đang buộc các nền độc tài phải trả giá. Sự thành công của họ cho thấy việc bảo vệ nhân quyền – thực vậy, trách nhiệm bảo vệ nhân quyền – là khả thi, ngay cả trong những thời kỳ đen tối hơn.
Trong năm 2018, nhà cầm quyền Việt Nam tìm cách công phá nhiều mạng lưới bất đồng chính kiến. Có ít nhất 42 người bị kết án chỉ vì công khai thể hiện ý kiến phê phán chính phủ, tham gia các cuộc biểu tình một cách ôn hòa hoặc tham gia các nhóm ủng hộ dân chủ. Trong đó bao gồm chín thành viên của Hội Anh em Dân chủ và năm thành viên Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết. Tháng Sáu, hai thành viên Hội Anh em Dân chủ là Nguyễn Văn Đài và Lê Thu Hà chấp nhận ra tù để đi lưu vong tại Đức.
Tháng Tám, nhà hoạt động vì môi trường Lê Đình Lượng bị xử án 20 năm tù, một trong những bản án dài nhất trong lịch sử gần đây, vì bị cho là đã tham gia một đảng chính trị hải ngoại bị cấm ở Việt Nam. Tháng Mười, blogger nổi tiếng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (bút danh Mẹ Nấm) đồng ý ra tù để đi lưu vong ở Mỹ.
Công an áp dụng nhiều chiến thuật đàn áp và khống chế, như theo dõi gắt gao, sách nhiễu, quản chế tại gia, cấm đi lại, bắt tạm giam và dọa nạt, thậm chí cả tra tấn trong khi giam giữ. Công an giam giữ những người bị tình nghi phạm các tội gọi là an ninh quốc gia để “điều tra’ hàng tháng, có khi hàng năm, mà không được tiếp xúc với gia đình hay nguồn trợ giúp pháp lý. Côn đồ được chính quyền dung túng tấn công những người vận động nhân quyền, các nhà hoạt động và blogger. Trong một số trường hợp, công an ở gần đó mà không làm gì để ngăn chặn các vụ tấn công.
Các nhà vận động bị tấn công ở ngay tư gia, ngoài thôn xóm, tại nơi công cộng và trong khi họ tìm cách đi thăm các nhà bất đồng chính kiến khác. Họ bị đánh bằng gậy và mũ bảo hiểm, đấm đá, và bị ném đá. Những kẻ côn đồ lạ mặt đập phá tư gia họ. Hầu như trong tất cả các vụ, công an đều không tiến hành điều tra.
“Nhà cầm quyền Việt Nam tuyên bố rằng không dính dáng gì đến các vụ tấn công nhằm vào những người phê phán và các nhà hoạt động, nhưng sự thật là những kẻ côn đồ không bao giờ bị truy cứu trách nhiệm,” ông Robertson nói. “Việc chính quyền Việt Nam từ chối tiến hành điều tra một cách khách quan, kỹ lưỡng, và truy cứu trách nhiệm của những kẻ thủ ác, là một vết đen nữa trong hồ sơ nhân quyền vốn đã tồi tệ của mình.”
Tháng Sáu, Quốc hội Việt Nam thông qua một bộ luật an ninh mạng có rất nhiều vấn đề, bị phê phán rộng rãi ở cả trong và ngoài nước. Theo bộ luật mới này, có hiệu lực từ mồng 1 tháng Giêng năm 2019, các nhà cung cấp dịch vụ phải gỡ bỏ các nội dung mà nhà cầm quyền cho là vi phạm trong vòng 24 tiếng từ khi nhận được yêu cầu. Các công ty internet cũng bị yêu cầu phải lưu trữ dữ liệu trong nước, xác thực thông tin người sử dụng, và cung cấp dữ liệu về người sử dụng cho nhà quyền khi bị yêu cầu mà không cần có lệnh của tòa án, tất cả những điều đó đều đe dọa quyền riêng tư và có thể tạo điều kiện cho việc đàn áp mạnh hơn nữa các nhà hoạt động và bất đồng chính kiến.
“Toàn bộ báo chí và truyền thông ở Việt Nam đều bị đặt dưới sự kiểm soát của đảng và nhà nước,” ông Robertson nói. “Luật an ninh mạng là phương thức mới nhất nhà cầm quyền muốn áp dụng để kiểm soát mạng Internet và phong tỏa không cho người dân tiếp cận với các quan điểm độc lập.”