(New York) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu khi công bố Phúc trình Toàn cầu 2020 của mình, trong năm 2019 có ít nhất 30 nhà hoạt động và bất đồng chính kiến bị xử án tù ở Việt Nam chỉ vì đã thực thi các quyền cơ bản của mình về tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do tôn giáo.
Nhà nước độc đảng hạn chế gắt gao mọi quyền chính trị và dân sự cơ bản, và cấm mọi hoạt động bị Đảng Cộng sản cầm quyền coi là mối nguy đối với vị thế độc tôn quyền lực của mình. Đặc biệt là các nhà hoạt động và blogger phải chịu theo dõi, cấm đi lại, hành hung, thẩm vấn và bắt giữ, bị các tòa án kết tội và áp các mức án tù nhiều năm.
“2019 là một năm khốc hại đối với các quyền tự do cơ bản ở Việt Nam,” ông Brad Adams, giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Chính quyền Việt Nam tuyên bố rằng người dân Việt Nam được hưởng quyền tự do ngôn luận, nhưng ‘quyền tự do’ này biến mất khi được vận dụng để kêu gọi dân chủ hay phê phán Đảng Cộng sản cầm quyền.”
Trong Phúc trình Toàn cầu 2020 dài 652 trang, là ấn bản lần thứ 30, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đánh giá việc thực hành nhân quyền trên gần 100 quốc gia. Trong bài đề dẫn, Giám đốc Điều hành Kenneth Roth nói rằng chính phủ Trung Quốc, vốn dựa vào đàn áp để duy trì quyền lực, đang tiến hành cuộc tấn công dữ dội nhất trong vài thập niên gần đây vào hệ thống nhân quyền toàn cầu. Ông thấy hành động của Bắc Kinh đã cổ vũ và nhận được sự ủng hộ của các thế lực dân túy độc tài trên thế giới, đồng thời nhà cầm quyền Trung Quốc sử dụng quyền lực kinh tế để ngăn chặn sự chỉ trích của các chính phủ khác. Điều khẩn cấp là phải chống lại cuộc tấn công này, vì nó đe dọa những tiến bộ về nhân quyền trong vài thập niên qua, và đe dọa tương lai của chúng ta.
Nhà cầm quyền Việt Nam cấm các hoạt động tôn giáo bị họ tùy tiện cho là đi ngược lại với “lợi ích quốc gia,” “trật tự công cộng,” hay “khối đoàn kết dân tộc.” Những người theo các nhóm tôn giáo không được chính quyền chuẩn thuận bị kiểm điểm, buộc từ bỏ đức tin, bị câu lưu, thẩm vấn, đánh đập và bỏ tù. Tháng Tám, một tòa án ở tỉnh Gia Lai kết án Rah Lan Hip bảy năm tù giam vì tham gia Tin Lành Đề Ga.
Tháng Mười một, một tòa án ở Thành phố Hồ Chí Minh xử nhà vận động chính trị người Australia Châu Văn Khảm và các nhà hoạt động cộng sự của ông là Nguyễn Văn Viễn và Trần Văn Quyền lần lượt là 12, 11 và 10 năm tù vì liên quan tới một đảng chính trị hải ngoại.
Các nhà hoạt động và blogger thường xuyên bị hành hung dưới tay nhân viên công quyền hoặc côn đồ ra tay dường như có sự phối hợp với chính quyền và được miễn trừ trách nhiệm. Tháng Bảy, một nhóm các nhà hoạt động nhân quyền bị hành hung ở tỉnh Nghệ An trong khi đang trên đường tới một trại giam trong tỉnh vì muốn bày tỏ sự ủng hộ đối với các tù nhân chính trị trong trại đang tuyệt thực để phản đối ngược đãi.
Công an thường khống chế tại gia hoặc câu lưu các nhà hoạt động nhằm ngăn cản không cho họ tham dự các buổi họp mặt, biểu tình hay các phiên tòa xử các nhà hoạt động bè bạn. Tháng Chín, nhân viên an ninh ngăn cản không cho luật sư Đặng Đình Mạnh rời nhà để đến dự một cuộc gặp với phái đoàn Đức.
Công an cũng thường xuyên cản trở những người vận động nhân quyền không cho ra nước ngoài, đôi khi viện những lý do mơ hồ về an ninh quốc gia. Tháng Mười một, công an ngăn cấm Linh mục Nguyễn Đình Thục xuất cảnh đi Tokyo. Tháng Mười hai, cơ quan chức năng từ chối cấp hộ chiếu cho cựu tù nhân chính trị Lê Công Định.
Từ tháng Giêng năm 2019, bộ luật an ninh mạng đầy vấn đề của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực. Bộ luật quá mơ hồ và lỏng lẻo này trao cho chính quyền khả năng tùy tiện kiểm duyệt ngôn luận tự do và buộc nhà cung cấp dịch vụ phải gỡ bỏ các nội dung trái ý chính quyền trong vòng 24 tiếng từ khi nhận được yêu cầu. Có ít nhất 25 người đã bị kết án tù vì bày tỏ ý kiến phê phán trên mạng Internet.
Tháng Mười một, công an bắt giữ một nhà báo độc lập, Phạm Chí Dũng, vì kêu gọi Liên minh châu Âu yêu cầu Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền như một điều kiện tham gia Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU.
Tháng Sáu, Việt Nam gia nhập Công ước 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về đàm phán tập thể và quyền tổ chức, và đến tháng Mười một, Quốc Hội thông qua luật lao động sửa đổi, sẽ có hiệu lực từ tháng Giêng năm 2021. Tuy nhiên, luật mới không đề cập đến công đoàn độc lập.